Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ đưa hàng hóa Việt Nam đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư trở lại.
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ví như “đường cao tốc quy mô lớn” kết nối Việt Nam và châu Âu (EU), giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư hai bên.
Hiệp định này được kỳ vọng sẽ đưa hàng hóa Việt Nam đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư trở lại.
Tuy vậy, tại cuộc tọa đàm “EVFTA-Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam-EU” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/3, các chuyên gia cho rằng, không có con đường nào chỉ “trải toàn hoa hồng,” EVFTA mang lại cơ hội lớn song thách thức cũng không nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, Hiệp định EVFTA đúng là một “con đường cao tốc” thuận lợi, nhanh và hầu như không có rào cản để kết nối nền kinh tế Việt Nam với EU. Với con đường này, hy vọng hàng hóa của Việt Nam có thể đến đích nhanh hơn các đối thủ khác.
Bà Trang cũng ví von, "đường cao tốc" sẽ chỉ dành cho các phương tiện phù hợp, cho nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng được lợi thế mà phải có sự chuẩn bị để đáp ứng điều kiện nhất định.
Hơn nữa, khi lưu thông trên "đường cao tốc," chắc chắn lợi ích mang lại cho doanh nghiệp sẽ không phải là miễn phí. Cũng có những trường hợp ưu tiên có thể được hưởng lợi mà không phải mất gì. Nhưng, đa phần các doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí nào đó trong việc điều tiết sản xuất cũng như là thay đổi công nghệ để đáp ứng với những điều kiện nhất định.
“Hội nhập với Hiệp định EVFTA phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động tìm hiểu của doanh nghiệp. Tránh trường hợp dù đã nhìn thấy đường cao tốc nhưng vẫn không biết đường dẫn nào để kết nối, cũng chưa biết con đường đó có vận hành suôn sẻ hay không, các trạm thu phí ra sao, có được bảo trì, bảo dưỡng tốt hay không... Đó là câu chuyện các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm”, bà Trang nói.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra được các doanh nghiệp quan tâm là cần làm gì để vượt chướng ngại trên "đường cao tốc" EVFTA nối Việt Nam với Liên minh châu Âu.
Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị điện tử là đầu vào cho sản xuất của Việt Nam.
Để tiếp cận thị trường này, bà Trang cho rằng, cần nhanh chóng có những quy định pháp luật từ phía Việt Nam để doanh nghiệp có thể tiếp nhận hàng hoá có xuất xứ của EU được hưởng lợi từ thuế ưu đãi của Việt Nam.
Cùng với đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp xin được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này một cách đầy đủ và thuận lợi.
Bởi, nếu doanh nghiệp không biết thời điểm nhập khẩu và họ không biết những giấy tờ nào phải chuẩn bị sẽ gặp khó khăn rất lớn. Điều này phụ thuộc vào việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Bên cạnh đó, các quy tắc xuất xứ thường rất chi tiết, nên cần biên soạn theo dạng cẩm nang để giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt. Các cơ quan quản lý cần có một bộ phận “phản ứng nhanh” để khi có bất cứ vấn đề gì được phản ánh sẽ ngay lập tức giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết và tháo gỡ,” bà Trang đề xuất.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, điều thuận lợi lớn nhất là thị trường EU cùng một khối, nên các quy định về hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm cơ bản là giống nhau.
Tuy nhiên, điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu tối thiểu bắt buộc phía EU đặt ra.
Chính vì thế, các doanh nghiệp cần nỗ lực để cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố khác để ngoài việc vượt qua hàng rào bắt buộc từ phía nhà nước, còn có thể chinh phục khách hàng EU.
Thông tin rõ hơn về điều này, ông Thái cho biết, Hiệp định EVFTA hài hòa lợi ích giữa hai bên. Do đó, hàng hóa của Việt Nam khi có đủ tiêu chuẩn sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ phía EU.
Ngược lại, nếu hàng hóa không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ không được hưởng ưu đãi của Hiệp định, chịu sự chi phối của quy tắc thuế thông thường.
Mặt khác, EU luôn áp dụng chung các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật (hàng rào kỹ thuật) cho tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu. Nếu hàng hóa không đáp ứng được những yêu cầu sẽ không thể nhập khẩu vào EU.
“Đây chính là những rào cản khiến cho hàng hoá của Việt Nam gặp khó khăn. Đơn cử như thời gian này nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lớn về nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như rất khó xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khác Trung Quốc vì sản phẩm không được sản xuất theo tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu. Khi hiểu điều này các doanh nghiệp sẽ có hướng chủ động hơn và nhìn nhận khác hơn về quy tắc xuất xứ hàng hóa khi vào thị trường EU,” ông Thái cho biết.
Ông Thái cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp sẽ phải chú ý các quy tắc để đáp ứng được những điều kiện của phía EU, có như vậy mới tận dụng tất cả những cơ hội từ EVFTA.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên quá bi quan, bởi Hiệp định cùng các quy tắc không đặt thêm rào cản mới, thậm chí còn giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ những rào cản này một cách minh bạch hơn.
“Đã có những doanh nghiệp Việt Nam rất quen thuộc với thị trường EU. Những kinh nghiệm này cần được lan toả ra cho nhiều doanh nghiệp khác để có thể tìm hiểu, đồng thời làm thay đổi quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía EU,” ông Thái mong muốn./.
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/duong-cao-toc-evfta-doanh-nghiep-co-tim-duoc-duong-vao/630023.vnp