Năm 2019 tiếp tục là một năm tăng trưởng tốt của tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam, với sự đóng góp lớn đến từ sự “chịu chi” của các nhãn hàng.
Theo số liệu từ Báo cáo thị trường Quảng cáo trực tuyến năm 2019 do Adsota thực hiện, chi tiêu cho quảng cáo đa phương tiện (media) của thị trường Việt Nam có những bước tăng trưởng ổn định theo từng năm.
Thương mại điện tử dẫn đầu về chi cho quảng cáo trực tuyến
Cụ thể, mức chi của các thương hiệu Việt Nam cho quảng cáo đa phương tiện ước tính đạt 1,2 tỷ USD trong năm 2018 và tăng lên 1,26 tỷ USD trong năm 2019 vừa qua. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm sắp tới khi tổng chi cho quảng cáo media dự kiến sẽ lên đến 1,43 tỷ USD trong năm 2022.
Chi tiêu cho quảng cáo đa phương tiện (media) của thị trường Việt Nam có những bước tăng trưởng ổn định theo từng năm. (Nguồn: Adsota)
Trong năm 2019, các nhà quảng cáo chi khoảng 284 triệu USD cho quảng cáo trực tuyến và chỉ chiếm 20,6% tổng chi tiêu cho quảng cáo đa phương tiện trên tất cả các kênh.
Đây là con số tỷ lệ trung bình so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (22%), Singapore (27,2%), Philippines (21%), Malaysia (22.5%) nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo Adsota, điều này có thể được lý giải là do quảng cáo trên các kênh truyền thống có chi phí cao hơn khá nhiều so với trên nền tảng số. Tuy nhiên digital marketing (số hóa marketing) được đánh giá là vẫn sẽ đóng góp vai trò ngày một quan trọng trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp bán lẻ/thương mại điện tử chi tiêu mạnh nhất cho quảng cáo trực tuyến năm 2019. (Nguồn: Adsota)
Sự phát triển và “bùng nổ” của các nền tảng online hiện nay đã giúp cho bức tranh quảng cáo số của thị trường khu vực nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Năm 2019 đánh dấu những bước tăng trưởng vững chắc trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam, với sự đóng góp lớn đến từ sự “chịu chi” của các nhãn hàng tiêu dùng nhanh, các thương hiệu bán lẻ và các nền tảng thương mại điện tử. Đóng góp chủ yếu cho quảng cáo trực tuyến trong một năm qua đến từ sự chi tiêu “mạnh tay” của các doanh nghiệp bán lẻ/thương mại điện tử cũng như các nhãn hàng FMCG (Tiêu dùng nhanh).
Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến Việt
Sử dụng hình thức video marketing là một trong những công cụ cơ bản nhất trong hoạt động digital marketing của các doanh nghiệp Việt, khi có đến 85% số doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hình thức này trong hoạt động marketing của mình.
Google và Facebook vẫn nắm thị phần chủ yếu trong thị trường quảng cáo trực tuyến. (Ảnh minh họa: KT)
Khảo sát của Adsota cũng cho thấy, các đơn vị sở hữu những nền tảng video media hàng đầu tại Việt Nam cũng là các đơn vị có doanh thu quảng cáo số cao nhất trong nhiều năm qua.
Google với nền tảng video YouTube vẫn hiển nhiên chiếm vị trí dẫn đầu với hơn 13 triệu unique visitor (số người - tài khoản mạng tính theo địa chỉ IP) ghé thăm trang trung bình trong một tháng và gần 3,5 tỷ video được đăng tải. Tiếp đó là Facebook và Google, các đơn vị nội địa như Admicro, 24H hay Adtima chiếm phần rất nhỏ.
Facebook và Google, hiện dẫn đầu về thị phần và doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, với trên 80% tổng doanh thu. Điều này được dự báo sẽ còn kéo dài, khi Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về lượng người dùng tiếp cận các hình thức quảng cáo trên Facebook với hơn 60 triệu người dùng./.
Theo Vân Anh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/quang-cao-truc-tuyen-mieng-banh-lon-van-thuoc-doanh-nghiep-ngoai-1015306.vov