Dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra đã khiến 322 DN tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp ở Việt Nam giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo báo cáo này, đến ngày 12/2, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 gây ra, trong tổng số trên 180.000 doanh nghiệp của 30 tỉnh, thành phố đã có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Cũng theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong tổng số trên 5.000 hợp tác xã đã có 25 hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, 5 hợp tác xã phải giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Có gần 9.000 người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra.
Về số lao động bị ảnh hưởng theo ngành kinh tế, báo cáo nhanh của 22/63 tỉnh, thành phố cho thấy đã có gần 9.000 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó có trên 3.200 lao động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản, trên 2.200 lao động thuộc lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; lĩnh vực vận tải, kho bãi có trên 1.100 người lao động bị ảnh hưởng…
Báo cáo cũng cho biết, có trên 1.000 lao động (của 22/63 địa phương) thuộc lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra phức tạp, nhưng tình hình người lao động trở lại làm việc sau Tết rất khả quan.
"Sau Tết nguyên đán 2020, thị trường lao động không biến động nhiều. Đặc biệt là tình trạng khan hiếm lao động như một số năm là không có. Đến thời điểm này, nhìn chung cả nước, 98% các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động và người lao động đã trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch corona thế này, chúng ta cũng phải lường hết các tình huống đặt ra đối với những doanh nghiệp mà chủ động được nguyên liệu, vật liệu rồi các thiết bị phục vụ cho hoạt động, thì có thể đảm bảo ổn định và phát triển" - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người lao động quay lại làm việc là do các doanh nghiệp trước, trong và sau Tết đều có các chế độ phúc lợi xã hội chăm sóc người lao động như thưởng tháng lương 13, tặng quà Tết, tổ chức xe đưa đón người lao động quê. Cùng với đó các doanh nghiệp có nhiều chính sách, chế độ chăm lo cho người lao động, đóng BHXH đầy đủ nên người lao động yên tâm quay lại doanh nghiệp làm việc./.
Theo Hà Nam/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/hon-870-doanh-nghiep-dung-hoat-dong-giam-quy-mo-do-covid19-1011157.vov