4
/
86099
Thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% do virus nCoV
thach-thuc-lon-voi-muc-tieu-tang-truong-gdp-6-8-do-virus-ncov
news

Thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% do virus nCoV

Thứ 4, 05/02/2020 | 19:16:14
328 lượt xem

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona, dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn, khả năng sẽ khó đạt được.

Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn, khả năng sẽ khó đạt được.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng Một năm nay tổ chức sáng 5/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Mặc dù, kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.”

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

- Xin ông cho biết, diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona và phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế ra sao?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan như tạm ngừng các tour du lịch, dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ từ Việt Nam đến Trung Quốc và ngược lại, ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc; không khuyến khích giao thương, qua lại cửa khẩu, hạn chế các lễ hội và hội họp đông người, cho học sinh, sinh viên tại các tỉnh có dịch được nghỉ học, tăng cường truyền thông các thông tin về dịch bệnh và tác động của dịch bệnh…

Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài.

Về các tác động trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại các loại và linh kiện.

Lượng khách quốc tế giảm mạnh; trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch; hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó, tác động lên ngành nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn.

[23 ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh do virus corona]

Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân…

- Ông có thể đánh giá cụ thể những thiệt hại của các ngành, lĩnh vực dưới tác động của dịch do virus corona?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, dịch do virus corona ảnh hưởng chủ yếu đến việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc và cụ thể là đối với xuất khẩu thanh long.

Ước tính quý 1 năm nay, sản lượng thanh long đạt 360.000 tấn, tăng 13% so cùng kỳ năm 2019 và hiện lượng đã thu hoạch xuất bán khoảng 150.000 tấn. Hiện nay, sản phẩm thanh long còn lại sẽ thu hoạch đến cuối tháng Ba tới.

Tuy nhiên, thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm gần 80%), do dịch bệnh nên một phần ùn ứ tại các cửa khẩu đã khiến giá thanh long tại vườn giảm sâu.

Hiện, giá thanh long chỉ còn khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, khả năng nếu không tiêu thụ được nông dân sẽ bỏ không thu hoạch gây thiệt hại lớn (khoảng 100.000 tấn).

Mặt hàng dưa hấu, dự kiến sản lượng thu hoạch quý 1 này ước đạt 230.000 tấn và hiện đã thu hoạch phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu 120.000 tấn. Sản lượng thu hoạch đến cuối tháng Ba tới còn lại 110.000 tấn; trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 50%, xuất khẩu Trung Quốc 50%, nên khả năng bị thiệt hại do giảm giá và bỏ ruộng khoảng 50.000 tấn.

Đối với xuất khẩu thủy sản, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2 tới hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Dự báo, các sản phẩm thủy sản chủ lực xuất khẩu vào Trung Quốc giảm như sau: trị giá xuất khẩu cá tra giảm khoảng 40-50 triệu USD, tương đương từ 25.000-30.000 tấn cá tra sản xuất, giảm từ 9-10%. Trị giá xuất khẩu tôm nước lợ sang thị trường Trung Quốc giảm khoảng 70-80 triệu USD, tương đương 7.000-8.000 tấn tôm sản xuất, giảm khoảng từ 6,5-7%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019 sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh do virus corona.

Thach thuc lon voi muc tieu tang truong GDP 6,8% do virus nCoV hinh anh 1

Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong những năm đổi mới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

- Đối với những ngành sản xuất công nghiệp, theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào và những ngành, sản phẩm nào chịu nhiều thiệt hại nhất?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Dịch do virus corona tác động chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam.

Theo đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất và là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp. Cụ thể là ngành dệt, may, da, giày với các sản phẩm, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc như sợi, vải, bông, xơ, chỉ, da, mũi giày, thiết bị và phụ kiện khác của ngành dệt, da, may.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự báo cũng ảnh hưởng lớn. Ước tính quý 1 này cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm trên 29%, hàng thủy sản giảm 38%, hàng dệt may giảm 22%...

Đối với nhập khẩu, ước tính quý 1 này, kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tư liệu sản xuất đạt 45 tỷ USD, giảm 12%. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,2 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

- Trước những khó khăn, thách thức như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 có đạt được hay không, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo tính toán, dự kiến nếu dịch do virus Corona được khống chế kịp thời trong quý 1 này, ước tính GDP năm nay tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Nếu dịch do virus corona kéo dài sang quý 2 tới, tăng trưởng quý 2 tới là 5,81%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm. Điều này dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước và thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn và khả năng sẽ không đạt được.

Tôi cho rằng, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng Một vừa qua tổ chức sáng nay (5/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là quyết định đúng và sẽ thử thách bản lĩnh của Chính phủ trong điều hành kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Theo đó, Chính phủ cần có những chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành, địa phương có giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy tăng trưởng.

Thach thuc lon voi muc tieu tang truong GDP 6,8% do virus nCoV hinh anh 2Dây chuyền sản xuất của Xí nghiệp Lốp Radial thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam tại Bình Dương. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

- Vậy những giải pháp mà Tổng cục Thống kê đề xuất để nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để ứng phó với dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh, Tổng cục Thống kê đề xuất các ngành cần tái cơ cấu sản xuất để giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh virus corona.

Theo đó, đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp cần tập trung vào tiêu thụ các sản phẩm rau quả đến mùa thu hoạch thông qua nhu cầu nội tại trong nước.

Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam tại các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, EU, châu Phi và ASEAN.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng kế hoạch gia nhập vào những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ngành nông nghiệp cũng cần tổ chức lại sản xuất trong nước, đặc biệt đối với ngành hàng rau quả, mặt hàng đang xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc bằng cách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản đối với mặt hàng này…

Đối với sản xuất công nghiệp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất, xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh do virus corona như dệt may, da giày, điện tử, ôtô, thép, chế biến lương thực, thực phẩm...

Giải pháp về xuất nhập khẩu, tôi cho rằng, cần kiểm soát cung cầu, giá cả và tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường; nâng cao chất lượng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giá thành xuất khẩu qua các thị trường trung gian thứ ba…

Bên cạnh đó, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến giá cả và có các giải pháp về kiểm soát các dịch bệnh để ổn định nguồn cung thực phẩm, hạn chế tăng giá các mặt hàng này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng từ 2-2,5%; đồng thời tăng cường tuyên truyền và kiểm soát thông tin mạng để hạn chế thông tin không đúng gây tâm lý cho người tiêu dùng và gây nên lạm phát kỳ vọng.

-Xin cảm ơn ông!./.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/thach-thuc-lon-voi-muc-tieu-tang-truong-gdp-68-do-virus-ncov/621642.vnp

  • Từ khóa

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6, do Bộ TT-TT tổ chức sáng 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở các nhiệm vụ...
09:12 - 16/01/2025
209 lượt xem

Nguồn cung thực phẩm dịp Tết dồi dào

Còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đang tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi...
08:00 - 16/01/2025
221 lượt xem

Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành điều Việt Nam

Năm 2024, Mỹ đã chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam và chiếm 98% tổng lượng điều nhập khẩu của thị trường này.
17:25 - 15/01/2025
579 lượt xem

Còn khoảng 6.000 vé tàu Tết từ TP.HCM đi Hà Nội

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cho biết hiện còn khoảng 6.000 vé tàu chiều TP.HCM đi Hà Nội dịp trước Tết Ất Tỵ 2025.
15:08 - 15/01/2025
638 lượt xem

Vietnam Airlines khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm dịp Tết Nguyên đán 2025

Vietnam Airlines công bố dự kiến khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm, cung ứng gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 13-1...
10:45 - 15/01/2025
733 lượt xem