Còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đang tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản…, để phục vụ nhu cầu của người dân.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị GO!, Big C. (Ảnh: MINH TRANG)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mặt hàng thực phẩm trên thị trường khá dồi dào, phong phú.
Cục Chăn nuôi cho biết, do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát cho nên chăn nuôi phát triển tốt. Nhờ thời tiết thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác, tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 9,6 triệu tấn. Hiện tại giá lợn hơi, giá gà giữ ở mức ổn định, người chăn nuôi có lãi. Do gần đến Tết Nguyên đán, cho nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 đến 15% so với những tháng trước đó.
Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội) Nguyễn Trọng Long chia sẻ, cơ sở đang nuôi hơn 4.500 lợn thịt và 500 lợn nái. Dự kiến, trang trại sẽ xuất bán từ 100 đến 150 tấn thịt lợn mỗi ngày phục vụ thị trường dịp này. Tại các chợ truyền thống ở Thủ đô, giá thịt ba chỉ được bán ở mức từ 135 đến 150 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai có giá 125 nghìn đồng/kg; sườn có giá từ 115 đến 130 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, giá thủy, hải sản ở các chợ dân sinh tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ. Giá cá trắm từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg, cá rô phi từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg, tôm từ 250 nghìn đến 450 nghìn đồng/kg; giá thịt bò từ 270 nghìn đến 350 nghìn đồng/kg; lượng trứng, thịt gia súc, gia cầm dồi dào. Theo chị Lê Thị Lương, tiểu thương bán gà ở chợ Long Biên (Hà Nội), giá gà ta hiện ở mức từ 140 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg, đến sát Tết chắc sẽ cao hơn bởi sức mua tăng.
Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) Lê Quang Thắng cho biết, nhờ chất lượng tốt, gà Đông Tảo được nhiều người dân trên cả nước và ngoài nước tin dùng; năm 2024, tổng đàn gà tăng hơn 30% so với năm trước. Để phục vụ thị trường dịp Tết Ất Tỵ, hợp tác xã đã chuẩn bị khoảng 1.000 con gà bán cho người tiêu dùng làm quà biếu (loại chân to, mã đẹp) và khoảng 7.000 con gà thương phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện tại thành phố có đàn lợn gần 1,5 triệu con, đàn gia cầm hơn 42 triệu con, đàn bò hơn 124 nghìn con; có 6.736 trang trại quy mô lớn, vừa, nhỏ, hơn 152 nghìn hộ chăn nuôi; có 16 nghìn hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó có 12.920 cơ sở ký cam kết an toàn thực phẩm, có 69 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã và đang áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt với tổng diện tích 510ha…
Ngoài nguồn sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất trên địa bàn, ngành nông nghiệp Thủ đô đã chủ động kết nối, khai thác nguồn cung hàng hóa nông lâm thủy sản từ 1.327 chuỗi của các tỉnh, thành phố theo Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025” để có đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp Tết.
Một số mặt hàng nông sản thực phẩm được các đơn vị, doanh nghiệp dự trữ để phục vụ người dân bao gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ…; thông qua các kênh phân phối là 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ nhằm đưa các mặt hàng thiết yếu bình ổn giá đến với người nghèo, người khó khăn, để người dân có điều kiện đón Tết đủ đầy hơn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 8.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho dịp Tết 2025, gồm: khoảng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng...
Đơn cử như Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản cung cấp cho thị trường 930 tấn thực phẩm tươi sống và gần 3.700 tấn thực phẩm chế biến. Để giữ giá ổn định trong dịp này, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng sản lượng hơn 12.000 tấn, chủ yếu được phân bổ cho một số nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, rau củ quả và thủy hải sản, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng.
Không chỉ hai thành phố lớn, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã lên kế hoạch, chuẩn bị đủ nguồn hàng. Thành phố Đà Nẵng có tổng giá trị dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt các loại; rau, củ quả…, khoảng hơn 2.800 tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại các chợ gần các khu dân cư trên địa bàn, phân bổ hợp lý tại các quận/huyện, phục vụ nhân dân từ ngày 25 đến 27/1/2025.
Để nhân dân cả nước đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế... cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bởi ở nhiều nơi, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn có những vi phạm. Các chợ cóc hoạt động thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản về việc Tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông để phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại và hậu quả của việc sử dụng chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản.
Các địa phương cần tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1751/KH-BCĐTƯATTP ngày 18/12/2024 của Ban chỉ đạo Trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân 2025.
Theo Anh Quang - Quỳnh Lộc/NDO
https://nhandan.vn/nguon-cung-thuc-pham-dip-tet-doi-dao-post856225.html