11
/
175207
Tuyển sinh đại học năm 2025: Đón đầu nguồn nhân lực
tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-don-dau-nguon-nhan-luc
news

Tuyển sinh đại học năm 2025: Đón đầu nguồn nhân lực

Thứ 5, 16/01/2025 | 15:48:00
93 lượt xem

Khởi động mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành/chương trình đào tạo mới nhằm đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực.

Chuẩn bị nhân lực để đi trước đón đầu trong cuộc đua công nghệ điện tử, nhất là lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn là cần thiết. Ảnh: INT 

Đào tạo gắn với thực tiễn

Trường ĐH Thương mại luôn cập nhật đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn để tiếp cận với nhu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra. ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh cho hay, năm 2025, trường phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, nhằm trang bị cho sinh viên khi ra trường vừa có kỹ năng chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ, tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, trường dự kiến có thêm 2 chương trình song bằng quốc tế Marketing và Quản trị kinh doanh, 1 chương trình chuyển giao công nghệ tiên tiến.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng vừa ra mắt chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù Kỹ thuật ô tô số (Digital Automotive Engineering) đầu tiên tại Việt Nam. TS Ngô Lam Trung - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cho hay, chương trình đào tạo Kỹ thuật ô tô số được thiết kế nhằm cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam và khu vực những kỹ sư có năng lực vượt trội trong hai lĩnh vực chính: Phát triển phần mềm ô tô và thiết kế, mô phỏng, kiểm thử cơ khí ô tô, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực mới - tương lai của ngành công nghiệp ô tô số.

Chương trình đào tạo sau đại học hệ kỹ sư (1,5 năm) chuyên ngành Kỹ thuật ô tô số, hướng tới đào tạo chuyên sâu liên ngành về Digital Automotive Engineering. Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân các ngành phù hợp như Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí điện lực... đều có thể đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, chương trình mở rộng cho cử nhân từ các trường đại học khác, với điều kiện đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đầu vào.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các lĩnh vực công nghệ mới và công nghệ tương lai, luôn là ưu tiên hàng đầu của đơn vị. Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành những đại sứ tiêu biểu, khẳng định thành công cho định hướng phát triển của nhà trường. “Chúng tôi tự hào cung cấp cho thị trường lao động những chuyên gia giỏi, nhiệt huyết nhất, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực, từ Thái Lan đến Malaysia”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Tương tự, theo thông báo của Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2025, đơn vị dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo. Trong đó có 2 chương trình mới là Quan hệ lao động và Luật Thương mại quốc tế.

ĐH Kinh tế Quốc dân tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: NTCC 

“Đi trước, đón đầu”

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mở ngành/chương trình đào tạo mới đón đầu xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực là xu thế tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học. Bởi trong xã hội hiện đại và vận động không ngừng, xu hướng ngành, nghề ngày càng phát triển đa dạng, phong phú và có thể dịch chuyển để phù hợp thực tiễn. Do đó, cơ sở đào tạo phải đổi mới, sáng tạo; thậm chí “đi trước, đón đầu” xu thế.

Qua quan sát, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận thấy, năm 2025 nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành/chương trình mới. Trong đó chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính, đô thị, giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng mới và lĩnh vực công nghiệp chiến lược nền tảng như: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học…

Đơn cử như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này rất lớn nhưng số lượng đào tạo còn hạn chế. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động và tích cực đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo nhân lực AI theo các hình thức như: Đào tạo một ngành học mới hay tích hợp nội dung AI vào các ngành có sẵn; mở ngành đào tạo ở bậc sau đại học…

Thực tế cho thấy, bất cứ lĩnh vực công nghiệp hay công nghệ nào đều có nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực. Vì thế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc đầu tiên là phải lựa chọn những lĩnh vực công nghệ để ưu tiên phát triển, không nên dàn trải. Chúng ta cũng không đủ tiềm lực và không thể cạnh tranh với thế giới trong tất cả lĩnh vực. Do đó, phải lựa chọn các lĩnh vực công nghệ chiến lược.

Thứ nữa, đã là nguồn nhân lực thì rất đa dạng, từ trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học; do đó, chúng ta phải chọn những ngành đào tạo nào cốt yếu để tập trung đầu tư. Ngoài ra, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là để phục vụ phát triển công nghệ cao.

Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh với những ngành công nghệ cao - công nghệ chiến lược. Do đó, xu hướng các trường đại học tập trung vào một số nhóm ngành khoa học kỹ thuật công nghệ là điều dễ hiểu. Việc lựa chọn ngành, nhóm ngành trọng điểm phát triển sẽ không quá phụ thuộc vào biến động của thị trường.

Thứ trưởng gợi mở, chúng ta cần tập trung vào đào tạo cốt lõi, mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực STEM; trong đó đội ngũ nhân lực tài năng. Nghĩa là, chúng ta đào tạo rộng và đào tạo lực lượng nòng cốt là nhân tài. Như vậy sẽ ít rủi ro và ít phụ thuộc vào sự biến động của thị trường nhân lực công nghệ cao.

Theo các chuyên gia, việc chuẩn bị nhân lực nên dựa trên dự báo tầm nhìn dài hạn và nhu cầu thị trường. Chuẩn bị nhân lực để đi trước đón đầu trong cuộc đua công nghệ điện tử, nhất là lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn là cần thiết. Tuy nhiên, số lượng phải đi cùng chất lượng nguồn nhân lực. 

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-don-dau-nguon-nhan-luc-post716174.html

  • Từ khóa

Số lượng trường ĐH ở các nước, vùng lãnh thổ: Nơi vài trường, nơi hàng ngàn

Bức tranh giáo dục sau phổ thông trên thế giới những năm qua khá sôi động khi chứng kiến nhiều ĐH lâu đời sáp nhập, nhiều ĐH mới thành hình. Đến hiện tại,...
14:55 - 16/01/2025
102 lượt xem

Những anh hùng 'cầm phấn' tại Burkina Faso

Burkina Faso, quốc gia nằm ở Tây Phi, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.
10:36 - 16/01/2025
216 lượt xem

Giáo viên ở trường tự chủ thắc thỏm chờ thưởng Tết

Giáo viên ở 119 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội và khoảng 250 cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn đang thắc thỏm chờ...
08:55 - 16/01/2025
276 lượt xem

Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ

Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
07:38 - 16/01/2025
283 lượt xem

Hà Nội: Trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây thành trường chuyên

Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây đã có quyết định trở thành trường THPT chuyên thay vì trường THPT công lập có lớp chuyên như hiện nay.
15:41 - 15/01/2025
673 lượt xem