Theo nhiều chuyên gia, năm 2020 có triển vọng tăng trưởng kinh tế tài chính tốt hơn năm 2019 dù có thể sẽ có các biến động lớn tiêu cực xảy ra.
Dòng vốn về Việt Nam không được như kì vọng
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nền kinh tế thế giới năm 2019 chứng kiến không ít biến cố, trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được xem là có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Đầu năm có kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành nơi thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc sang và sẽ được hưởng lợi từ điều này. Nhưng thực tế cho thấy lợi ích từ hướng này không lớn.
“Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh, cơ sở hạ tầng kém, logistics yếu và chi phí cao. Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có những lợi thế trên, đồng thời lại có nhiều chính sách thuế thu hút dòng vốn FDI này. Chính vì vậy, vốn này vào Việt Nam có chiều hướng giảm trong khi lại có khuynh hướng tăng nhanh dần vào các nước nói trên. Chẳng hạn, vốn đăng ký FDI vào Thái Lan tăng tới 69% trong vòng 9 tháng đầu năm 2019. Dòng vốn FDI vào Indonesia cùng kỳ cũng tăng vọt 17,8% (không kể vốn vào ngân hàng, dầu và khí đốt) cao nhất trong vòng 4 năm”, ông Sơn phân tích.
Nền kinh tế thế giới năm 2019 chứng kiến không ít biến cố. (Ảnh minh họa: KT)
Cùng với đó, sự gia tăng đơn hàng của phương Tây dịch chuyển từ Trung Quốc sang không lớn trong khi Việt Nam đang bị mất sức cạnh tranh, bị thôn tính và lợi dụng trong thương mại lại có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng hàng nhập từ Trung Quốc tăng mạnh, hàng đóng mác Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy ngành dệt may Việt Nam và nhiều ngành khác đang bị hàng Trung Quốc đội lốt cạnh tranh tại sân nhà.
Mặt khác, trong thương mại với Mỹ thì Việt Nam bị mắc kẹt trong xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là Việt Nam dễ bị lợi dụng "mượn đường" cho hàng hóa tránh thuế xuất sang Mỹ. Tình trạng này đã xảy ra với ngành gỗ, sắt thép, nhôm, dệt may.
Cần tích cực cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng, năm 2020 sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt hơn năm 2019, các biến động lớn tiêu cực ít có khả năng xảy ra. Mặc dù, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn là tâm điểm và gây nhiều tác động đến kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Việt Nam cần xem xét điều chỉnh tỷ giá, không nên nhiệt tình với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì dễ bị lợi dụng. Ngoài ra, tăng cường biện pháp ngăn tác động xấu từ FDI và thương mại của Trung Quốc”, ông Sơn khuyến nghị.
Chung quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi toàn diện và vượt mức các mục tiêu kế hoạch năm 2019 do Quốc hội đề ra. Chất lượng tăng trưởng kinh tế có nhiều chuyển biến, trong đó đáng chú ý là đã từng bước hạn chế được tăng trưởng nhờ dựa vào khai thác tài nguyên; tín dụng cơ bản ổn định; các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản đạt chỉ tiêu. Trong lĩnh vực tài chính ngân sách đã thực hiện theo lộ trình cân đối ngân sách ngày càng bền vững thể hiện trong việc từng bước khôi phục được sự sụt giảm thu ngân sách trung ương, nợ công giảm dần theo mục tiêu.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính |
Tuy nhiên, các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2020 được cho là tương đối cao và khá thách thức của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và nền kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn. Do vậy, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra trong năm 2020, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.
“Cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam. Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến nghị, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện Chính phủ điện tử và chế độ “một cửa”, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm tới mức tối đa các chi phí chính thức và phi chính thức trong đăng ký hoạt động kinh doanh, trong các hoạt động tiếp cận thị trường, tạo môi trường phát triển công bằng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian tới, Chính phủ cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Cần tích cực cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, giảm tới mức thấp nhất thâm hụt ngân sách, đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, tích cực giảm thiểu thâm hụt ngân sách nhà nước, giảm bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nam-2020-kinh-te-viet-nam-co-trien-vong-tang-truong-tot-hon-1002792.vov