4
/
85691
Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới
viet-nam-thuoc-nhom-cac-nuoc-tang-truong-kinh-te-cao-hang-dau-the-gioi
news

Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới

Thứ 7, 25/01/2020 | 12:08:15
454 lượt xem

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trên 7% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới.

- Phóng viên: Lời đầu tiên, nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, Dân trí xin kính chúc Phó Thủ tướng và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý! Thưa Phó Thủ tướng, năm 2019 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội (KT-XH), xin Phó Thủ tướng cho biết về những dấu ấn nổi bật trong năm qua?

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp chúng ta hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt trên 7%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng GDP cao hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Năm 2019 có 6 điểm nhấn vượt trội sau:

Một là, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng khoảng 2,75%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015 trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá được điều hành một cách chủ động, chặt chẽ, linh hoạt. Kết quả là thị trường tài chính tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Dự trữ ngoại hối tăng và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay (gần 80 tỷ USD). Năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng hạng (tăng 10 bậc), môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Hai là, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khoảng 7,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân toàn cầu. Trong đó, nổi bật là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (+17,5%); xuất siêu năm thứ tư liên tiếp (tăng 8% so với 2018). Cả nước có 134.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Ba là, sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. An ninh năng lượng được bảo đảm và phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo.

Bốn là, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, có khoảng 54% số xã và trên 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm.

Năm là, khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 12% - tiếp tục mức tăng trưởng 2 con số mà trước đây chúng ta không nghĩ tới được; thương mại điện tử tăng mạnh. Khách quốc tế ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%, hoàn thành trước 1 năm mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới - 2

Phó Thủ tướng khẳng định năm 2019 KT-XH Việt Nam có 6 điểm nhấn vượt trội

Sáu là, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Đời sống dân cư được cải thiện, nhất là khu vực nông thôn.

Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tạo đồng thuận cao trong xã hội.

- Lần đầu tiên Việt Nam cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về con số đặc biệt này trong năm 2019?

- Năm 2019, cuộc chiến tranh thương mại của các nước lớn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nhất là liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu với dấu mốc lần đầu tiên nước ta đạt quy mô kim ngạch 500 tỷ USD.

Quy mô kim ngạch nói trên cao hơn gần 4 lần so với bình quân của thế giới; nằm trong nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Đặc biệt như lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đạt được kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD.

Cần phải nói thêm rằng, chỉ trong 1 thập kỷ trở lại đây, quy mô kim ngạch đã tăng gấp 3,2 lần, từ 157 tỷ USD lên trên 500 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ trong 5 năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến 3 dấu mốc “trăm tỷ USD” liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu là: 300 tỷ USD năm 2015; 400 tỷ USD năm 2017 và 500 tỷ USD trong năm 2019.

Kết quả đạt được nêu trên càng có ý nghĩa to lớn khi chúng ta duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động ảnh hưởng xấu đến thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, với các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, triển khai đồng bộ, song hành giữa tạo thuận lợi thương mại  tăng cường quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại giúp hoạt động ngoại thương của Việt Nam lập được dấu mốc mới.

Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới - 3

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định: Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới

Thêm một điểm đáng ghi nhận trong tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 là sự vươn lên mạnh mẽ và đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Điều này giúp bù đắp kịp thời sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng từ mức 29,5% của năm 2018 lên khoảng 32% trong năm 2019. Điều này cho thấy nội lực của doanh nghiệp trong nước đang được nâng lên và tận dụng được các lợi ích khi Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. 

- GDP là số liệu gốc để tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, bội chi, thu ngân sách Nhà nước. Những chỉ số này sẽ thay đổi như thế nào trong giai đoạn tới, thưa Phó Thủ tướng?

- Hiện tại các các bộ, ngành đang triển khai đánh giá lại quy mô GDP là cơ sở để hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là căn cứ để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kết quả này cũng được sử dụng để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2016 và Chiến lược Phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030. 

Các bộ, ngành, địa phương cũng sử dụng số liệu đánh giá lại để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta vẫn phải triển khai các quan điểm, mục tiêu lớn về tài chính tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. 

Theo đó, mục tiêu là bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.

Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng! 

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-thuoc-nhom-cac-nuoc-tang-truong-kinh-te-cao-hang-dau-the-gioi-20200125102148143.htm#&gid=1&pid=1

  • Từ khóa

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6, do Bộ TT-TT tổ chức sáng 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở các nhiệm vụ...
09:12 - 16/01/2025
164 lượt xem

Nguồn cung thực phẩm dịp Tết dồi dào

Còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đang tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi...
08:00 - 16/01/2025
168 lượt xem

Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành điều Việt Nam

Năm 2024, Mỹ đã chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam và chiếm 98% tổng lượng điều nhập khẩu của thị trường này.
17:25 - 15/01/2025
535 lượt xem

Còn khoảng 6.000 vé tàu Tết từ TP.HCM đi Hà Nội

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cho biết hiện còn khoảng 6.000 vé tàu chiều TP.HCM đi Hà Nội dịp trước Tết Ất Tỵ 2025.
15:08 - 15/01/2025
595 lượt xem

Vietnam Airlines khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm dịp Tết Nguyên đán 2025

Vietnam Airlines công bố dự kiến khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm, cung ứng gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 13-1...
10:45 - 15/01/2025
683 lượt xem