Bên cạnh những vấn đề lớn của ngành Công Thương năm 2019 và định hướng năm 2020 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ Công Thương sát sao tình hình hàng hoá, thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá lên cao.
Sáng nay, 27.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 ngành Công Thương. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp “không bàn cãi” của ngành công thương Việt Nam, của tất cả các doanh nghiệp trong ngành công thương Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước.
Năm 2020, nhiều sự kiện quan trọng của đất nước sẽ diễn ra, các cấp, các ngành, trong đó ngành Công Thương phải nhận thức được nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện mọi mặt phải tốt hơn 2019, tiếp tục phương châm hành động, bứt phá để vượt các chỉ tiêu 2019-2020.
3 mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành Công Thương gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng 12%; Xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD ngay trong năm 2020; Tăng trưởng thương mại nội địa, bán lẻ hàng hoá đạt tăng trưởng 12%.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương cần bám sát tình hình sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc thị trường.
Bộ Công Thương cần triển khai đồng bộ các Hiệp định thương mại (FTA), chú trọng các thị trường tiềm năng. Hoàn thiện thể chế, tiếp tục đổi mới cơ chế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tiếp tục tái cơ cấu, tập trung xử lý các dự án thua lỗ kéo dài. Không chỉ 12 dự án mà là 15 -17 dự án.
“Chúng ta không đổi lỗi cho ai cả nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải gánh những tồn tại này”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phát triển năng lượng nói chung, các dự án điện nói riêng là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện. "Không được thiếu điện" là mệnh lệnh Thủ tướng giao cho ngành điện. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án điện than, nếu phát triển thêm có thể sẽ nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của ngành Công Thương chứ không riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng đề nghị chú trọng đến chính sách phát triển công nghiệp, yêu cầu các địa phương phải hưởng ứng phát triển công nghiệp, “địa phương nào chối bỏ là không được”.
Bộ Công Thương phải đi đầu trong vấn đề giải quyết quy hoạch, không để quy hoạch làm ách tắc phát triển. Có những chủ trương biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ như mặt bằng, nhân lực. Phổ cập hơn nữa, thúc đẩy hơn nữa các cam kết quốc tế nhất là người dân và doanh nghiệp.
“Hiện nay có nhiều FTA nhưng hiểu biết của ông sở giám đốc Công Thương các địa phương, cán bộ quản lý yếu, cần phải nâng cao hơn nữa”, Thủ tướng nói.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề trước mắt là lo cái Tết cho nhân dân. Lãnh đạo bộ, các ban ngành phải đảm bảo Tết có đủ hàng cho người dân, không được xảy ra tình trạng đẩy giá, dẫn đến lạm phát kỳ vọng.
“25 triệu con lợn thì làm sao mà thiếu. Nếu thiếu thì nhập một vài nghìn tấn, không có vấn đề gì mà đẩy giá lên. Lo tết cho dân ở mọi vùng, loại bỏ hàng giả, hàng nhái, buôn lậu gian lận thương mại”, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phối hợp thực hiện.
Cuối cùng, Thủ tướng bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của ngành công thương, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang.
Theo Cường Dung/Lao động
https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/thu-tuong-khong-de-xay-ra-tinh-trang-thieu-hang-day-gia-len-cao-dip-tet-774932.ldo