4
/
175181
Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh
thoi-co-vang-de-khang-dinh-nang-luc-canh-tranh
news

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh

Thứ 5, 16/01/2025 | 09:12:00
80 lượt xem

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6, do Bộ TT-TT tổ chức sáng 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở các nhiệm vụ trọng tâm cho ngành trong thời gian tới.

Đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư đánh giá cao đóng góp và vai trò của doanh nghiệp (DN) số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống cho người dân.

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số VN lần thứ 6. ẢNH: TTXVN

Tuy nhiên, Tổng Bí thư đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và DN công nghệ số quốc gia. Trong đó, năng lực nghiên cứu và phát triển hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế năng lực tự chủ công nghệ của Việt Nam.

Cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao chưa đủ mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các DN. Trình độ công nghệ của DN Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dẫn số liệu báo cáo của Bộ TT-TT là VN đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Đây là những con số có vẻ rất ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong những giá trị xuất khẩu đó, hay VN đang ở những phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài?".

Lấy thêm ví dụ một cái áo bán ra, trong đó thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác, Tổng Bí thư băn khoăn: "Liệu mình thu lại được bao nhiêu trên những sản phẩm này. Có chăng đóng góp của chúng ta chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi tự hỏi đây liệu có phải là sự ngộ nhận, tự huyễn hoặc, tự ru ngủ hay không?".

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành điện tử, ngành sản xuất điện thoại và linh kiện khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện, nhưng nhập khẩu đến 80% giá trị của những linh kiện này.

Thực tế, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 đến nay và tại Thái Nguyên có 60 DN đối tác cấp 1 cung ứng cho Samsung thì có tới 55 DN nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp 1 thì có tới 164 DN nước ngoài. DN trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải.

Tổng Bí thư thẳng thắn cho rằng cần phải nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn nhận DN đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế. Thực tế, đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến độ khoa học nội địa còn thấp, trên 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu và khoảng 5% sử dụng công nghệ cao.

"Sắp tới đây, chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn, đừng để VN thành cứ điểm lắp ráp, gia công, bãi rác công nghệ của thế giới, trong khi DN trong nước không học hỏi được điều gì", Tổng Bí thư chỉ đạo.

Biến khát vọng thành hành động cụ thể

Trên tinh thần của Nghị quyết 57 được ví như "khoán 10" trong khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, Tổng Bí thư mong muốn sẽ nhận được những báo cáo là trí tuệ của Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm vào sản phẩm công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm giúp các sản phẩm thông minh hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, những tên tuổi VN nào được vinh danh trong các phát minh, sáng kiến…

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh- Ảnh 2.

Công ty nghiên cứu và sản xuất VinSmart (Khu CNC Hoa Lac). ẢNH: HOÀNG TRỌNG QUỲNH

Tổng Bí thư cũng gợi mở các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn tới. Thứ nhất, nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ số. Cùng đó là đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu phát triển các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; dữ liệu lớn; điện toán đám mây; công nghệ thông tin di động 5G, 6G; công nghệ vũ trụ, không gian...

Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số, vốn sẽ đóng vai trò cốt lõi cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.

Thứ ba, khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao. Theo đó, cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa để tạo ra các DN công nghệ số hàng đầu khu vực và quốc tế.

Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa DN và các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ.

Thứ năm, phát triển kinh tế số và xã hội số, từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực về kinh tế số như: Chính phủ số, xã hội số, tạo điều kiện cho DN phát triển công nghệ ứng dụng về quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho mọi người dân.

Thứ sáu, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030 đưa VN vào top 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 DN công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Thứ bảy, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức DN công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu, sản xuất công nghệ số vào VN; đồng thời tạo điều kiện cho DN VN tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Đối với DN công nghệ số, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta cần đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta nhìn thấy ở đây không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong Nghị quyết 57. Hãy biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể, mỗi DN cần dấn thân vào các lĩnh vực tiên phong, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo. Các DN công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích người dân".

Theo Tổng Bí thư đây là thời cơ vàng để chúng ta khẳng định năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và phạm vi toàn thế giới. "Hãy tận dụng sức mạnh trí tuệ, nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025

Ngày 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18.1.1950 - 18.1.2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025; nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.

Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ thông tin về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội; phối hợp trên cơ sở các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực tìm phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982.

Theo Thu Hằng/Thanh niên

https://thanhnien.vn/thoi-co-vang-de-khang-dinh-nang-luc-canh-tranh-185250115224943188.htm

  • Từ khóa

Nguồn cung thực phẩm dịp Tết dồi dào

Còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đang tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi...
08:00 - 16/01/2025
83 lượt xem

Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành điều Việt Nam

Năm 2024, Mỹ đã chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam và chiếm 98% tổng lượng điều nhập khẩu của thị trường này.
17:25 - 15/01/2025
442 lượt xem

Còn khoảng 6.000 vé tàu Tết từ TP.HCM đi Hà Nội

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cho biết hiện còn khoảng 6.000 vé tàu chiều TP.HCM đi Hà Nội dịp trước Tết Ất Tỵ 2025.
15:08 - 15/01/2025
508 lượt xem

Vietnam Airlines khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm dịp Tết Nguyên đán 2025

Vietnam Airlines công bố dự kiến khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm, cung ứng gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 13-1...
10:45 - 15/01/2025
592 lượt xem

Biểu giá điện mới: Giảm bậc nhưng giá tăng

Đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bộ Công thương giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc, nhưng lại khiến nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện...
08:49 - 15/01/2025
671 lượt xem