Tìm hiểu một doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm container mật ong sang Mỹ, phái đoàn Mỹ phát hiện nguồn gốc mật ong của doanh nghiệp này 'ở đâu đâu' chứ không hẳn 'made in Vietnam' như công bố...
Một lô hàng nhập từ Trung Quốc nhưng ghi nhãn "made in Vietnam" bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khi uy tín hàng hóa "made in Vietnam" càng lên cao trên thị trường quốc tế, tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam ngày càng tăng, không chỉ ảnh hưởng đến sản phẩm sản xuất trong nước mà hàng Việt còn đối diện với nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế.
Ông Đinh Ngọc Thắng - cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - đã cho biết như vậy tại Hội nghị tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp về việc chống các hành vi gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp, được tổ chức ngày 20-12.
Việc gian lận xuất xứ không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước mà còn đẩy nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Hàng Trung Quốc dán sẵn nhãn Việt Nam
Ông Đinh Ngọc Thắng cho biết tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM mới đây, phái đoàn công tác của lãnh sự Mỹ cùng các chuyên gia nước này cho biết muốn tìm hiểu, điều tra các doanh nghiệp sản xuất mật ong của Việt Nam với một phương pháp rất cơ bản: thăm cơ sở sản xuất doanh nghiệp đang xuất khẩu rất nhiều mật ong sang Mỹ.
Các thành viên của phái đoàn này tin rằng với một doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu hàng trăm container như thế, trang trại nuôi ong chắc chắn phải lớn và quy trình sản xuất hiện đại. Nhưng khi bắt tay vào điều tra, phía Mỹ phát hiện nguồn gốc mật ong của doanh nghiệp này "ở đâu đâu" chứ không hẳn "made in Vietnam" như công bố.
Làm việc với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai báo mặt hàng mật ong được thu mua từ các nông trường, hộ nông dân và có xác nhận của chính quyền. Thế nhưng, sau khi đi xác minh, cơ quan hải quan phát hiện phần lớn mật ong của doanh nghiệp này được mua gom từ Campuchia, Lào... Đáng nói, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của sản phẩm mật ong của Việt Nam.
Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu liên quan đến vụ nhập khẩu trái phép hơn 8.000 sản phẩm thời trang giả mạo xuất xứ Việt Nam, cùng gần 50kg nhãn (6.500 chiếc nhãn) bằng giấy và bằng vải ghi chữ Hàn Quốc và "made in Korea".
Một container 7 tấn hàng chăn drap gối nệm nhập khẩu từ Trung Quốc, khai xuất xứ Trung Quốc nhưng bên trong gắn mác "made in Vietnam" với trị giá gần 600 triệu đồng cũng vừa bị cơ quan hải quan TP.HCM phát hiện và xử lý.
Theo ông Đinh Việt Thắng, thời gian qua có một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu tại TP.HCM đã đặt gia công hàng từ nước ngoài với một mức giá rất rẻ, rồi mang về Việt Nam tiêu thụ bán với thương hiệu riêng, đánh lừa người tiêu dùng.
"Chúng ta không phân biệt hàng sản xuất ở đâu nhưng rõ ràng người tiêu dùng Việt Nam không chấp nhận trả tiền mua một sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa được đảm bảo" - ông Thắng nói.
Trong khi đó, Cục Hải quan Bình Dương cũng đang đau đầu xử lý gần 100 container hàng hóa là xe đạp của doanh nghiệp FDI chỉ vừa mới thành lập nhà máy ở Việt Nam. Khi kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện nhà máy này không có nhiều hoạt động, nhưng các sản phẩm xe đạp lại đồng loạt dán nhãn "made in Vietnam", đặt nhiều nghi vấn cho cơ quan chức năng.
Một lô hàng chăn, gối, nệm... nhập từ nước ngoài nhưng gắn sẵn mác "made in Việt Nam" bị cơ quan hải quan TP. HCM phát hiện - Ảnh: Q.ĐỊNH
Gian lận ngày càng tinh vi
Là người nghiên cứu khá kỹ các trường hợp lách luật vi phạm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản, phụ trách phòng thuế xuất nhập khẩu Hải quan TP.HCM, cho biết nhãn mác "made in Vietnam" hiện nay khá có uy tín trên thị trường quốc tế nên các hành vi gian lận xuất xứ cần lên án, không khoan nhượng.
Vấn đề khó khăn cho cơ quan quản lý là các doanh nghiệp vi phạm rất tinh vi, có sự cấu kết với doanh nghiệp trong và nước ngoài, tổ chức quy mô từ nhỏ đến lớn khiến cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan chức năng khác khá vất vả để phát giác. Cũng theo ông Toản, còn nhiều vụ án đang tiếp tục điều tra và sắp tới sẽ đưa ra nhiều vụ án gian lận xuất xứ khác.
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp cho biết đã dành nhiều quan tâm đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu chứ ít nghĩ đến các trường hợp có thể ảnh hưởng đến quyền lợi như giả xuất xứ hàng hóa, lắp ráp đơn giản...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế suất cao tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam trước khi xuất khẩu để lẩn tránh thuế ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp thừa nhận rằng cần phải cảnh giác nhiều hơn.
Nếu bị phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hành vi này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Đó là hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp, gây thiệt hại rất lớn về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hậu quả tất yếu của việc đó làm mất uy tín doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo ông Đinh Ngọc Thắng, cơ quan hải quan cũng phải hành động để bảo vệ doanh nghiệp chân chính, tuân thủ pháp luật tốt, đảm bảo thu ngân sách nhà nước.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI mở nhà máy ở Việt Nam nhưng công đoạn sản xuất chưa đủ để thỏa mãn các quy định, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Dù vậy, các doanh nghiệp này vẫn khai báo xuất xứ hàng hóa "made in Vietnam" để được hưởng quyền lợi.
Ông Đinh Ngọc Thắng thừa nhận chống gian lận thương mại là việc làm khó nhưng phải cương quyết không chỉ bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn bảo vệ nền sản xuất trong nước và thương hiệu Việt Nam.
"Một doanh nghiệp đột nhiên tăng lượng xuất khẩu từ 30-50% nhưng trong đầu tư sản xuất lại không có chuyển dịch về máy móc, con người, thậm chí kiểm tra hóa đơn tiền điện, nước nhà xưởng cũng không thấy thay đổi thì hoàn toàn có thể đặt nghi vấn" - ông Thắng nói.
Quyết liệt giữ uy tín hàng Việt Cục Hải quan TP.HCM cho biết "Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" với quan điểm các hiệp định thương mại tự do (FTA) là thành quả của Nhà nước dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam, không thể chia sẻ hay bị đánh mất vào tay các nhà sản xuất nước ngoài. Ngành hải quan cũng cho biết đang quyết liệt đấu tranh chống lại các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trước đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành quy định khẩn để ngăn chặn hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhiều mặt hàng, chống gian lận xuất xứ. |
Theo Như Bình/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bao-dong-hang-made-in-vietnam-nhung-nguon-goc-o-dau-dau-20191221081936019.htm