Món Huế không phải trường hợp hiếm hoi phá sản trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Trước đó, thị trường từng chứng kiến các chuỗi cửa hàng thực phẩm, cà phê, trà sữa… nở rộ rồi "không kèn không trống" rút khỏi thị trường.
>>Nhóm nhà đầu tư rót 70 triệu USD vào chuỗi Món Huế khởi kiện ông Huy Nhật
>>Hà Nội: Khung cảnh hoang tàn ở chuỗi cửa hàng Món Huế
>>Chuỗi Món Huế đóng cửa: Nhận vốn "khủng" vẫn thất bại, đâu là nguyên nhân?
Chuỗi Món Huế với khoảng 77 nhà hàng tại 6 tỉnh, thành trên cả nước (gồm TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh) là một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng được quản lý bởi Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế và do Huy Việt Nam sở hữu.
Việc chuỗi nhà hàng này đóng cửa đã trở thành tâm điểm quan tâm những ngày gần đây. Đặc biệt là khi công ty này đang bị tố là nợ tiền các nhà cung cấp lên tới cả chục tỷ đồng và nợ lương nhân viên suốt 2 tháng qua.
Tuy nhiên, đây cũng không phải trường hợp hiếm hoi phá sản trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Trước đó, thị trường từng chứng kiến các chuỗi cửa hàng thực phẩm, cà phê, trà sữa… nở rộ rồi "không kèn không trống" rút khỏi thị trường.
Đơn cử như vào năm 2017, chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Australia Gloria Jean’s Coffees đã đóng cửa hàng cuối cùng để nói lời “chia tay” với thị trường Việt Nam, sau hơn 10 năm gia nhập. Chuỗi cà phê này tới Việt Nam năm 2007, theo một giấy phép nhượng quyền thương mại được đảm bảo bởi VietLifestyle JSC.
Cùng số phận với Gloria Jean’s Coffees, New York Dessert Café (NYDC), chuỗi cà phê và bánh ngọt đến từ Singapore lần lượt đóng cửa hàng, và địa điểm cuối cùng tại Metropolitan (TPHCM) đã chấm dứt hoạt động. Hay như Espressamente Illy - cùng với đối tác là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương, "khai tử" chuỗi Coffee - Bar Espressamente Illy tại thị trường Việt Nam khi mới kịp mở 2 cửa hàng cà phê.
Nhiều chuỗi thương hiệu Việt cũng có cái kết đáng buồn như Saigon Cafe chỉ giữ lại hai cửa hàng hiệu quả nhất để tái cơ cấu sau khi đóng hàng loạt cửa hàng tại các quận trung tâm.
The KAfe do start-up trẻ Đào Chi Anh gây dựng, từng được xem là biểu tượng của start-up Việt khi huy động được tới 5,5 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng chỉ sau ba năm hoạt động và hơn một năm nhận vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng phải đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác trước khi "mất tích" trên thị trường.
Chia sẻ tại một hội thảo cách đây chưa lâu, chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, thực tế ở nhiều nước có không ít nhà đầu tư nhận nhượng quyền bị phá sản, có cả những trường hợp kiện nhà nhượng quyền vì cửa hàng đã kinh doanh thua lỗ hoặc không đạt được mục tiêu đề ra.
“Ở các nước, chuyện ra tòa giữa đơn vị nhượng quyền và đối tác nhận quyền là thường xuyên”, bà Vân khẳng định.
Chuyên gia Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) còn đặt câu hỏi phải chăng giai đoạn thoái trào của khởi nghiệp (startup) và nhượng quyền (franchise) trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam đã đến?
Theo ông Du, để khởi nghiệp thành công cần những nền tảng hỗ trợ gắn với các cơ chế thị trường và đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, Việt Nam giỏi phong trào, nhưng những nền tảng cơ bản đang rất sơ khai.
Với câu chuyện nhượng quyền, vị chuyên gia cho rằng, thành công là nhờ lợi thế, quy mô, lợi thế thương hiệu và chuyên môn hóa.
"Nhưng, phở ông Hùng có lợi thế gì so với phở bà Dần khi mà chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm về cơ bản là không phân biệt được?", ông Du đặt câu hỏi.
Ông cũng cho rằng, nếu nhượng quyền thì phải chịu thêm khoản phí nhượng quyền kinh doanh hoặc tự mình tạo dựng mạng lưới lớn thì phải chịu chi phí quản lý cồng kềnh. Trái lại, một cửa hàng phở thông thường chủ yếu là sử dụng mặt bằng của gia chủ có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí (mặt bằng, lao động nhàn rỗi trong nhà ...).
"Với bản chất là thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, muốn chuyên môn hóa, làm ăn chuyên nghiệp và bài bản quả là thách thức. Câu hỏi là sắp tới, thị trường sẽ gọi tên những chuỗi nào nữa? Tuy nhiên, phá sản là sự phá hủy sáng tạo, và cơ hội lại đến với những người khác", ông bình luận.
Theo Phương Dung/Dân trí