4
/
78615
Bất lợi của Việt Nam trong thương chiến Mỹ - Trung
bat-loi-cua-viet-nam-trong-thuong-chien-my-trung
news

Bất lợi của Việt Nam trong thương chiến Mỹ - Trung

Thứ 7, 31/08/2019 | 10:22:51
574 lượt xem

Dữ liệu thực tế xuất nhập khẩu sang Mỹ, Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đang quay lưng với suy đoán 'Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến'.

Tại diễn đàn về thuận lợi khó khăn trong thực thi CPTPP ngày 30/8, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho rằng đã có nhiều suy đoán chưa đúng về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam cũng không hưởng lợi từ xung đột thương mại này, như nhiều dự báo trước đó. Bằng chứng bà Trang đưa ra là số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam sang 2 thị trường này trong nửa đầu năm nay.

Số liệu của cơ quan hải quan cho thấy, Mỹ tiếp tục vị trí dẫn đầu trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 33 tỷ USD đến hết tháng 7 và tăng 27% so với năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, gần 20 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. 

Theo bà Trang, Mỹ là thị trường mà Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Lẽ thường khi xuất khẩu tăng sẽ là tin mừng, nhưng điều không vui là Việt Nam nằm trong nhóm 10 đối tác có thâm hụt thương mại với Mỹ.

"Đây không phải tin mới vì nhiều năm nay hiện tượng này đã xảy ra. Tuy nhiên, tăng trưởng nhập khẩu vào Mỹ của 9 nước còn lại đều giảm so với năm 2018, duy nhất Việt Nam tăng", bà Trang nói.

Sản xuất máy tính bảng tại Samsung Việt Nam. Ảnh: AP

Sản xuất máy tính bảng tại Samsung Việt Nam. Ảnh: AP

Trong số 10 đối tác thâm hụt thương mại này, hiện duy nhất Việt Nam và Malaysia chưa bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc đối phó. Nhưng điều đáng lo ngại, là trong khi Malaysia đã giảm tốc tăng trưởng nhập khẩu thì tỷ trọng xuất hàng Việt sang Mỹ lại tăng mạnh. "Đó là nguy cơ tiềm tàng. Không cần phải đợi đến dài hạn nền kinh tế Việt Nam mới gặp bất lợi như nhiều dự đoán trước đó. Thực tế đang cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực đã xảy ra", bà lưu ý.

Ở chiều ngược lại, mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 0,3%, nhưng nếu so với mức gần 22% cùng kỳ năm 2018 thì đây lại là sự giảm tốc lớn. Sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc diễn ra ở hầu hết mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản. Nguyên nhân theo các chuyên gia xuất nhập khẩu là Trung Quốc siết chặt các điều kiện về xuất nhập khẩu. 

Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại có dấu hiệu tăng, nhất là ở những mặt hàng mà nước này xuất khẩu mạnh qua Mỹ, như máy tính, linh kiện điện tử... tăng tới 70%. Điểm trùng hợp là cũng các mặt hàng này, tỷ trọng hàng Việt xuất sang Mỹ tăng tới 89%.

Giám đốc Trung tâm WTO cũng cho rằng, dòng dịch chuyển vốn đầu tư trong chiến tranh thương mại đang đi ngược chiều so với nhiều suy đoán trước đó. Thực tế đúng là có hiện tượng các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc, nhưng là những đơn vị xuất khẩu hàng Mỹ. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quay trở lại với chiến lược "sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc". 

"Suy đoán vốn từ Trung Quốc chuyển đi các nước mà Việt Nam là một điểm thu hút cũng có điểm khác. Số liệu của các nhà đầu tư Nhật không cho thấy điều đấy. Vốn giảm ở Trung Quốc, tăng ở thị trường khác nhưng không phải ở Việt Nam. Đến lúc tăng ở Trung Quốc, giảm ở thị trường khác thì Việt Nam giảm sâu hơn", bà nói.

Với hiện trạng đó, bà Trang cho rằng CPTPP và các FTA thế hệ mới sẽ là giải pháp "cứu cánh cho doanh nghiệp Việt Nam". CPTPP với tiêu chuẩn cao về thể chế, đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ là lý do khiến doanh nghiệp ngoại chọn lựa Việt Nam thay vì buộc phải đến để né thương chiến. CPTPP hay các hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng tạo ra cơ hội lớn về tăng GDP, xuất khẩu tại nền kinh tế 96 triệu dân...

"Tôi nhìn nhận những hiệp định này như một trong những cứu cánh quan trọng cho Việt Nam trong việc giải quyết các khó khăn về đầu tư", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Trong bình diện này, ông Đoàn Duy Khương nhấn mạnh nguyên tắc công khai, minh bạch hoá thông tin của doanh nghiệp trong hội nhập. "Đây là nguyên tắc sống còn trong trong bối cảnh chiến tranh thương mại, giúp các nhà sản xuất giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng", ông lưu ý.

Theo Anh Minh/VnExpress

  • Từ khóa

4 tháng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 18,4 tỷ USD

4 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 18,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với 4 tháng năm 2023.
15:53 - 03/05/2024
24 lượt xem

Có 1,8 triệu khách bay trong giai đoạn cao điểm lễ 30-4, 1-5

Các sân bay trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đón gần 1,8 triệu hành khách trong giai đoạn phục vụ cao điểm lễ 30-4 và 1-5 vừa...
14:21 - 03/05/2024
59 lượt xem

Bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng?

Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh...
12:12 - 03/05/2024
224 lượt xem

Đua chặt hồ tiêu, cao su... để trồng sầu riêng

Dù các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhưng nhiều nông dân cho rằng giá sầu riêng sẽ vẫn duy trì ở mức cao thời gian tới do cung không đủ cầu.
10:24 - 03/05/2024
173 lượt xem

Xuất khẩu da giày: Đơn hàng tăng chưa át được nỗi lo về những quy định mới

Nhiều quy định mới liên quan đến thiết kế sinh thái, truy xuất chuỗi cung ứng của các thị trường lớn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu da giày.
09:13 - 03/05/2024
182 lượt xem