Trong trường hợp Quỹ Bảo trì đường bộ dừng hoạt động, chủ phương tiện vẫn phải nộp phí tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước.
Trong trường hợp Quỹ Bảo trì đường bộ dừng hoạt động, chủ phương tiện ôtô vẫn phải nộp phí tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Trước đề xuất bỏ Quỹ bảo trì đường bộ của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, trong trường hợp Quỹ Bảo trì đường bộ dừng hoạt động, chủ phương tiện ôtô vẫn phải nộp phí tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước.
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, theo quy định, Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ Nhà nước nằm ngoài ngân sách, hoạt động theo cơ chế Hội đồng, không phải nộp vào ngân sách nhưng được giám sát như đối với nguồn vốn ngân sách (nguồn vốn được quản lý qua hệ thống Kho bạc). Hàng năm, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính thẩm định quyết toán, mọi hoạt động được kiểm tra giám sát bởi hệ thống Thanh tra Tài chính, Kiểm toán Nhà nước...
“Tuy nhiên, theo Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, tất cả các khoản thu phí đường bộ phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, đoàn giám sát Quốc hội cho rằng hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ chưa phù hợp với quy định mới của pháp luật nên kiến nghị xem xét lộ trình bỏ Quỹ,” ông Minh lý giải thêm.
Nhìn nhận đây mới chỉ là đề xuất, Thường vụ Quốc hội chưa có kết luận về việc này, ông Minh cho rằng, sau khi Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giám sát thì các cơ quan liên quan sẽ căn cứ vào Nghị quyết để thực hiện các bước tiếp theo.
“Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đã được quy định theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015 của Quốc hội. Như vậy, việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không có nghĩa là không phải đóng phí sử dụng đường bộ. Việc bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành,” vị Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương nhấn mạnh.
Từ đó, ông Minh khẳng định, việc đóng phí sử dụng đường bộ của người dân và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo luật và tiếp diễn bình thường tại các trung tâm đăng kiểm. Phí sử dụng đường bộ sẽ được Cục Đăng kiểm tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Trước việc nhiều người lầm tưởng việc bỏ Quỹ bảo trì đường bộ đồng nghĩa với việc sẽ không phải nộp phí sử dụng đường bộ đối với ôtô, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện hiểu đúng và nghiêm túc chấp hành quy định về nộp phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe cơ giới.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, theo Luật Phí và lệ phí, từ ngày 1/1/2017 toàn bộ số phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước, không nộp về tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương như giai đoạn năm 2013-2016. Sau đó, kinh phí sử dụng cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống giao thông đường bộ được ngân sách Nhà nước cấp phát trở lại cho Quỹ bảo trì đường bộ. Do Quỹ trở thành bên trung gian nên Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kiến nghị bỏ.
“Phí sử dụng đường bộ là khoản thu của ngân sách Nhà nước đã được quy định tại Luật Phí và lệ phí, là khoản thu cần thiết để tạo nguồn duy tu, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ quốc gia. Hiện, Nhà nước chưa có chủ trương và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước,” đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định.
Theo quy định hiện hành, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ôtô được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Phương tiện có chu kỳ kiểm định trên 12 tháng được lựa chọn hình thực nộp phí 12 tháng/lần hoặc bằng với chu kỳ kiểm định (18, 24, 30 tháng). Trường hợp xe có chu kỳ kiểm định từ 12 tháng trở xuống, chủ phương tiện phải nộp phí bằng với theo chu kỳ kiểm định mới được cấp tem, giấy chứng nhận đăng kiểm./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)