BGTV- Tại Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2019, Chính phủ đã đề cập đến việc chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Tiến tới cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Ảnh minh họa)
Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành 02 dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong đó, Luật Đầu tư sẽ được sửa đổi theo hướng rà soát, cắt giảm các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quản lý ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với các hình thức đầu tư mới có thể phát sinh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Như vậy, thay vì là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện như hiện nay thì sắp tới, khi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua thì dịch vụ đòi nợ sẽ chính thức bị cấm.
Phân định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu... bảo đảm khả thi, minh bạch trong thực hiện; quy định rõ giá trị pháp lý của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; quy định về đình chỉ, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hết thời hạn dự án.
Ngoài ra, sẽ quản lý chặt hơn nữa hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, sẽ có những quy định bổ sung các biện pháp ngăn chặn và chế tài đối với hoạt động đầu tư “núp bóng”, vi phạm pháp luật…
Về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các quy định tới đây sẽ hoàn thiện hơn những nội dung về các loại hình doanh nghiệp, thời hạn góp vốn và thanh toán tiền mua cổ phần trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là việc bổ sung những quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh; cơ chế tài chính cũng như chế độ kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh.
BGTV