Sản xuất công nghiệp - thước đo của các ngành công nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm cả sản xuất và khai thác - chỉ tăng 4,8% trong tháng 7.
>>Giấc mộng siêu cường kinh tế của Trung Quốc đang dần tan vỡ
>>Cú sốc "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc vào tháng 7 đã tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2002, trong đó lĩnh vực bán lẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong bối cảnh leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Sản xuất công nghiệp - thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, khai thác và tiện ích - tăng 4,8% trong tháng 7 so với cùng kì một năm trước. Con số này đã giảm từ 6,3% trong tháng 6 và 5,0% trong tháng 5.
Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế, dự báo tăng trưởng 6,0%.
Đây là sự bất ổn chung đã tồn tại của nền kinh tế Trung Quốc trong 13 tháng qua, từ khi bị áp thuế bởi Hoa Kỳ. Trong thời gian này, quỹ đạo của hầu hết các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc đã tăng trưởng giảm dần.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ, một chỉ số tiêu thụ chính ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, chỉ tăng 7,6% trong tháng 7, giảm so với mức tăng 9,8% trong tháng 6 và thấp hơn so với các nhà kinh tế dự đoán là tăng trưởng 8,6%.
Tiêu thụ từ lâu đã là một mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Trong tất cả các tháng, trừ một tháng vào năm 2019, hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong một xu hướng chưa từng có đối với một quốc gia từng được hưởng mức tăng trưởng thương mại khổng lồ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng hiện tại ở Trung Quốc rất yếu, trong số đó bao gồm cả người tiêu dùng cá nhân cũng như các nhà sản xuất.
Mặc dù chính phủ đã thực hiện một số bước để khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng - chẳng hạn như giảm giá, trợ cấp cho việc mua hàng gia dụng và nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích cho vay ngân hàng - cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Các nhà phân tích dự đoán rằng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chậm hơn trong phần còn lại của năm do căng thẳng của chiến tranh thương mại.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng công bố dữ liệu cho đầu tư tài sản cố định - chi tiêu cho các tài sản vật chất như bất động sản, cơ sở hạ tầng hoặc máy móc - tăng 5,7% trong bảy tháng đầu năm. Con số này đã giảm từ 5,8% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.
Ở một bức tranh rộng lớn hơn, nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn trên nhiều mặt trận. Mặc dù đã trải qua 12 vòng đàm phán trực tiếp, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ dường như không thể kết thúc. Triển vọng rằng có một thỏa thuận vẫn còn ảm đạm, với việc cả hai bên vẫn đang cố thủ trong vị trí của họ. Các cuộc đàm phán tiếp theo được lên kế hoạch vào 9, nhưng kỳ vọng về có một kết quả tích cực vẫn còn thấp.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump hôm thứ ba đã thông báo về trì hoãn kế hoạch áp dụng mức thuế 10% mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù ban đầu nói rằng sẽ áp thuế quan đối với 300 tỷ đô la Mỹ hàng hóa bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, nhưng việc thực hiện nó sẽ được đặt so le, bắt đầu với 130 tỷ đô la thuế quan vào tháng Chín.
155 tỷ đô la Mỹ còn lại, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy chơi trò chơi video và đồ chơi, vẫn chưa chịu thuế cho đến ngày 15 tháng 12.
Mức thuế mới, tuy đã được trì hoãn, nhưng cộng thêm mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ trước đó, đang gây áp lực rất lớn cho các cơ sở sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trong các số liệu sản xuất công nghiệp, sản xuất tăng 4,5% trong tháng 7, giảm từ 6,2% trong tháng 6 và khai thác tăng 6,6%, giảm so với 7,3% trong tháng 6.
Theo Thùy Dung/Dân trí (nguồn Scmp)