Biểu giá điện bậc thang lần này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế, sát thực tế và giảm bù chéo giữa các hộ tiêu dùng.
EVN sẽ đề xuất phương án điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cơ cấu biểu giá điện bậc thang mới với khách hàng sinh hoạt đang được công ty tư vấn nghiên cứu và sẽ hoàn thiện trong tháng 9.
"Dự kiến biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới có trong tháng 10, sau đó chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến các Bộ, ngành và người dân trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định vào cuối năm nay", ông Tuấn nói tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm của Bộ Công Thương.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, cơ cấu biểu giá điện bậc thang lần này sẽ rút kinh nghiệm từ những lần xây dựng trước đây (năm 2015), kinh nghiệm quốc tế và sát thực tế sử dụng điện cũng như giảm bù chéo giữa các hộ tiêu dùng.
Công nhân Điện lực Hà Nội sửa chữa đường dây tại quận Long Biên. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phải "đảm bảo đúng thời gian dự kiến đưa ra lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá điện bậc thang mới vào tháng 10".
"Biểu giá điện theo 6 bậc thang vẫn từ giai đoạn trước đã không được điều chỉnh phù hợp. Đây là bài học lớn và trách nhiệm của chúng ta khi chưa năng động, bám đúng thực tiễn đời sống để chỉnh sửa kịp thời, dẫn tới bức xúc người dân vừa qua", ông Tuấn Anh nói.
Từ 20/3, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Theo biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt của Quyết định 24/2014, mức giá điện bán lẻ sinh hoạt thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân và giữ cơ cấu biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt 6 bậc thang là một phần nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện các hộ gia đình tăng mạnh vào các tháng sau đó.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho hay, mức biểu giá luỹ tiến đang được hầu hết các nước áp dụng do điện là loại hàng hoá đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ không cùng thời điểm, không thể dự trữ nên cần sử dụng tiết kiệm. Tuy nhiên với Việt Nam, sau 5 năm áp dụng biểu giá bán lẻ điện 6 bậc thang theo Quyết định 24 đã không còn phù hợp thực tiễn đời sống người dân, phát triển thị trường điện và cần tính toán lại để đưa ra phương án mới.
Việc rút gọn số bậc hay tăng thêm, chia nhỏ số bậc theo sát từng nhu cầu người dùng điện, ông Ngãi nói, cần phải được tính toán kỹ lưỡng và vẫn phải đảm bảo nguyên tắc càng dùng nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền cho các bậc thang cao.
Ông cũng lưu ý, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần chú ý đến cả yếu tố tác động đến người người nghèo hiện đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sử dụng điện. Theo chính sách hiện nay, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện cho 30 kWh ở bậc thang đầu tiên.
Thực tế, đầu năm 2015 biểu giá điện luỹ tiến đã từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến sửa đổi sau hơn một năm áp dụng. Khi đó, dự thảo đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Một là giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay. Hai là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá). Ba là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc (hay 4 bậc) theo 5 kịch bản. Tuy nhiên, sau nhiều cân nhắc, biểu giá luỹ tiến 6 bậc vẫn được áp dụng đến nay.
Theo Nguyễn Hoài/VnExpress