Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra quan điểm thẳng thắn về đầu tư đường sắt tốc độ cao đã cho thấy trách nhiệm của cơ quan tham mưu về chính sách. Còn việc đúng sai ra sao sẽ cần người dám quyết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chỉ nên làm đường sắt tốc độ 200km/giờ với số vốn đầu tư dự kiến 26 tỷ USD, không nên làm đường sắt tốc độ cao lên tới 350km/h với lượng vốn đầu tư lên tới trên 58 tỷ USD.
Lý do được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là, bỏ ra trên 58 tỷ USD chỉ để chở khách là lãng phí và quá dư thừa.
Lưu ý, đây là một phương án mới và rất khác với phương án Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ. Điều này không đồng nghĩa với việc con số của Bộ Giao thông vận tải đưa ra là “không chính xác”.
Sẽ là lựa chọn khó khăn giữa việc chọn phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao với số vốn 26 tỷ USD hay 58 tỷ USD
Trả lời tại cuộc tọa đàm về kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức ngày 11/7, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, không nên “quá ngạc nhiên” về con số giữa hai Bộ bởi đó là 2 phương án khác nhau với hai lộ trình khác nhau. Nhưng cần dung hòa cả hai phương án.
"Dung hòa" theo nghĩa nào chưa được trình bày cụ thể, nhưng có một điều ông Cấn Văn Lực chắc chắn, đó là số vốn đầu tư sẽ cao hơn con số Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Lý do là giải phóng mặt bằng cả tuyến đường từ Bắc vào Nam là điều nan giải, cộng thêm các chi phí đã và đang tăng lên.
Còn TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước khi trả lời về đường sắt tốc độ cao, đã nhắc đến bài viết “Ảo tưởng xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam” trên VietNamNet ngày 11/7. Bài viết mà ông Thành cho là “xác đáng”.
Không bình luận trực diện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo phương án nào vì “không đủ dữ liệu”, ông Võ Trí Thành lưu ý: Nhà kinh tế thường lưu ý 3 điều. Một là mục tiêu (có cần làm hay không, chở khách hay chở hàng). Hai là đặt ra các giới hạn, tức các ràng buộc. Ba là tối ưu hóa ràng buộc.
Cho rằng “không ai nói trúng 100% tương lai”, TS Võ Trí Thành tỏ ra thận trọng khi đánh giá về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhất là khi trong tay chưa có những dữ liệu đầy đủ về chi phí, mục tiêu, tác động môi trường và xã hội...
“Tôi muốn nói ngay là sẽ không có một lời giải hoàn hảo. Bởi vì chúng ta đang nói về tương lai, trong khi công nghệ liên tục thay đổi, chi phí thay đổi, lượng khách đi tàu thay đổi,... ”, ông Thành chia sẻ.
Cuộc tranh cãi về việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ còn chưa ngã ngũ. Nhiều ý kiến phản biện sẽ còn tiếp tục được đưa ra. Nhưng việc có thêm một phương án từ chính cơ quan tham mưu chính sách là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giúp có thêm thông tin đầu vào để Chính phủ, Quốc hội quyết định về dự án đặc biệt quan trọng này.
Nhưng ai là người quyết định giữa những luồng thông tin rất khác biệt này?
Ông Võ Trí Thành đề cao vai trò quyết định của người đứng đầu và của Quốc hội, để “đất nước này không phải không có người chịu trách nhiệm”, “để đất nước này không có một vấn đề mà 20 năm không quyết được”, “để không phải cãi nhau mãi vì một vấn đề”...
Theo TS Võ Trí Thành, khi đã có tất cả các nghiên cứu, phản biện được đặt lên bàn, dù có thể chưa hoàn hảo, dù còn có những rủi ro, thì điều quan trọng là vẫn phải có người quyết định “làm hay không làm”. Bởi phương án nào cũng có rủi ro, không có phương án nào là hoàn hảo 100%.
Theo Lương Bằng/VietNamNet