Hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam... là những khái niệm đến nay chưa có được quy định cụ thể.
Nghi vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường được nêu ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Ông Hải khẳng định, Bộ vẫn tích cực và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Phạm Văn Tam trong xưởng lắp ráp tivi tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bổ sung cho Thứ trưởng, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như nào được gọi là "sản xuất tại Việt Nam", "hàng hoá của Việt Nam".
Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.
Theo quy định hiện hành ở Nghị định 43/2017, hàng hoá lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tự xác định và có trách nhiệm với thông tin về xuất xứ mình đưa ra.
Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên. Theo ông Tam, Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất
Theo Nguyễn Hoài/VnExpress