Điều kiện để hạ giá thành sản phẩm hữu cơ còn ít nên giá bán vẫn còn ngất ngưởng
Trái với kỳ vọng của nhiều người tiêu dùng, thực phẩm hữu cơ ngày nay bày bán rộng rãi hơn so với 1-2 năm trước nhưng giá không hề "mềm" hơn, thậm chí một số nơi còn bán cao hơn so với thời gian đầu.
Quảng bá thành công thì tăng giá
Thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam phát triển khá nhanh, đang dần hình thành các chuỗi cửa hàng hữu cơ. Chuỗi Everyday Organic đầu tiên mở vào tháng 8-2018 tại Phú Mỹ Hưng (quận 7), chưa đầy 1 năm đã có thêm 2 cửa hàng mới tại quận Bình Thạnh và quận 1; hệ thống Organic Food có 3 cửa hàng tại quận 2, Phú Nhuận và quận 1; hệ thống Organica có 6 cửa hàng trên cả nước, trong đó TP HCM tập trung 4 cửa hàng… Không chỉ giới hạn trong các cửa hàng cao cấp chuyên biệt, sản phẩm hữu cơ đã hiện diện tại tất cả hệ thống siêu thị, đại siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart…
Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm hữu cơ quy mô lớn, tiết lộ sản lượng rau củ, trái cây công ty ông cung cấp cho các hệ thống siêu thị đã tăng 3 lần so với 1 năm trước. Cùng với đó, giá bán cũng đã tăng lên trên dưới 10.000 đồng/kg. "Ban đầu, cả 2 bên thỏa thuận giảm lợi nhuận để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, một số siêu thị gần như không nhận chiết khấu, hỗ trợ bán hàng tối đa. Thế nhưng, giờ sản lượng tăng cao, chúng tôi vẫn giữ giá cũ nhưng siêu thị đã tăng giá bán" - vị tổng giám đốc kể và cho hay chính sự nhận biết, nhu cầu của khách hàng gia tăng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún nên giá bán sản phẩm còn cao.
Khách hàng mua thực phẩm hữu cơ tại một cửa hàng trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1, TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Organica, giải thích thời gian qua, tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng vẫn là những đơn vị nhỏ lẻ, quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành còn cao. "Nếu các nhà bán lẻ cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá bán để nhiều người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn thì họ phải giảm đi phần lợi nhuận. Trong bối cảnh giá nhân công lao động tăng, điện nước tăng, tiền thuê mặt bằng tăng thì việc giảm giá để cạnh tranh không khác gì "lấy đá ghè chân mình" khiến nhà bán lẻ không thể tồn tại được. Mặt khác, khi nhiều người tham gia thị trường thì cạnh tranh tăng lên đáng kể. Không chỉ Organica mà còn rất nhiều cửa hàng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch mở ra trong một thời gian ngắn sau đó đóng cửa (Organica đã đóng 2 cửa hàng tại TP HCM - PV).
Cần thêm thời gian
Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng, cho hay với sản lượng khoảng 300 tấn gạo/năm, quy mô của Hoa Nắng còn rất nhỏ nên chi phí cao. "Công ty hỗ trợ 50% tiền phân bón hữu cơ nhập khẩu cho nông dân, mua lúa cao hơn 50% so với lúa thường cùng với các chi phí về tư vấn, đánh giá chứng nhận hữu cơ hằng năm, chiết khấu cửa hàng… nên bán lẻ đến người tiêu dùng 50.000 -60.000 đồng/kg là hợp lý. Tỉ suất lợi nhuận kỳ vọng của DN chỉ 7%/năm, thấp hơn lãi suất dài hạn gửi ngân hàng chứ không phải DN bán giá cao để có lời nhiều" - ông Tú chia sẻ.
Ông Phạm Công Sang, đại diện Quỹ Đầu tư SEAF (Mỹ), cho rằng không phải người tiêu dùng nào cũng đủ điều kiện tài chính và sự kiên trì để sử dụng thực phẩm hữu cơ hằng ngày. "Giá thực phẩm hữu cơ còn cao nên một số người chọn giải pháp tự trồng và hình thành một nhóm người chia sẻ thực phẩm với nhau theo kiểu tự cung tự cấp với kỳ vọng giá rẻ hơn. Về bề nổi, nhóm người này làm mất khách hàng của các cửa hàng thực phẩm hữu cơ chuyên nghiệp nhưng về dài hạn đây chính là khách hàng tương lai. Lý do là chúng ta đang sống ở đô thị nên vườn rau sân thượng chỉ tuyệt vời ở mấy tháng đầu và người ta không thể ăn lặp đi lặp lại vài món. Hơn nữa, sản phẩm tự cung tự cấp có giá thành không hề rẻ. Khi đó, họ sẽ tìm đến những nơi cung cấp uy tín để đáp ứng nhu cầu của họ" - ông Sang phân tích.
Theo các DN, để giá thực phẩm hữu cơ giảm thì giá thành phải hạ nhưng các điều kiện để hạ giá thành còn ít, cần thêm thời gian. Bài toán giảm giá hữu cơ chỉ được giải khi có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh tham gia thị trường hơn và sản xuất quy mô lớn hơn. Công ty CP Vinamit, một trong những DN làm nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, đang tích cực xây dựng kênh bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến để "đẩy" sản phẩm ra thị trường với giá "chính hãng" nhằm tăng thêm địa chỉ mua sắm cho khách hàng và làm kênh tham chiếu giá với các hệ thống phân phối. "Cửa hàng của chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn hằng ngày, từ thịt, cá, tôm, rau củ, trái cây đến nước mắm, nước tương… organic. Tuy nhiên, việc đầu tư phân phối phải làm cẩn trọng, không thể vội vàng bởi đặc trưng của hàng tươi sống là "sáng tươi chiều héo" nên phải tính toán kỹ sao cho sản xuất, cung ứng vừa đủ nhu cầu tiêu thụ" - ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit, nói.
Theo Ngọc Ánh-Phương An/Người Lao động