Không còn được viện trợ từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) của ADB, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp cho quỹ này. Đó là tín hiệu ghi nhận tốt cho đất nước.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa tại cuộc họp báo công bố khoản bổ sung 5 tỉ USD cho ADF - Ảnh: DUY LINH
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thêm 5 tỉ USD cho Quỹ phát triển châu Á (ADF), để viện trợ các thành viên đang phát triển 4 năm tới.
Không có tên Việt Nam trong danh sách, nhưng đó lại là tín hiệu tốt, theo một nhân sự cấp cao của ADB.
5 tỉ USD cho quỹ hỗ trợ nước đang phát triển nghèo nhất
Cứ mỗi 4 năm một lần, ADB sẽ công bố khoản bổ sung mới cho ADF - vốn được xem là nguồn viện trợ lớn nhất cho các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương nhất trong ADB.
Năm nay, tại Hội nghị thường niên ADB tổ chức ở thủ đô Tbilisi của Georgia (Gruzia), đích thân Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đã thông báo ADF sẽ có thêm 5 tỉ USD để hỗ trợ các thành viên đang phát triển và dễ bị tổn thương nhất giai đoạn 2025 - 2028.
Đây là khoản bổ sung thứ 14 cho ADF, cũng là khoản bổ sung lớn nhất kể từ khi quỹ này ra đời năm 1974.
Hơn 2,5 tỉ USD, tương đương 51% nguồn tiền bổ sung đến từ đóng góp của 31 thành viên ADB, bao gồm hai nước lần đầu tiên góp tiền là Armenia và Georgia. Số tiền còn lại sẽ được ADB bỏ vào từ nhiều nguồn, bao gồm thu nhập ròng và các khoản đầu tư thanh khoản.
Song song đó, ADB dự định cung cấp 16,7 tỉ USD các khoản vay ưu đãi với lãi suất rất thấp và thời gian trả nợ dài trong giai đoạn 2025 - 2028.
"Các khoản viện trợ đang quan trọng hơn bao giờ hết, khi các thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của chúng ta đang tìm cách vượt qua những trở ngại phát triển gần đây, cũng như có các hành động khẩn cấp trước khủng hoảng khí hậu", Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều 3-5 (giờ Georgia, tối cùng ngày giờ Việt Nam).
Trên tinh thần đó, khoản bổ sung 5 tỉ USD nói trên sẽ được ADF ưu tiên hỗ trợ dành riêng cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, các quốc gia ở tình trạng mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Với ưu tiên như vậy, hẳn nhiên trong số gần 30 cái tên được nhận viện trợ và hỗ trợ từ ADF trong 4 năm tới không có tên Việt Nam.
Nhìn ở khía cạnh khác, đó cũng là sự ghi nhận tốt đối với Việt Nam, theo ông Tomoyuki Kimura - người đứng đầu bộ phận hoạch định chính sách, chiến lược và đối tác của ADB.
"Mức thu nhập của Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây nên không còn đủ điều kiện để được nhận viện trợ từ ADF nữa. Việt Nam cũng không còn đáp ứng các tiêu chí để được nhận vốn vay ưu đãi từ ADB vì đất nước đã phát triển hơn", ông Tomoyuki Kimura giải thích với phóng viên Tuổi Trẻ Online.
Việt Nam được trông chờ đóng góp cho ADF
Ông Tomoyuki Kimura trả lời báo chí sau cuộc họp báo của chủ tịch ADB - Ảnh: DUY LINH
Là giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam từ tháng 7-2011 đến tháng 10-2015, ông Tomoyuki Kimura chia sẻ Chính phủ Việt Nam từng vay nhiều từ ADB, nhưng bây giờ đã giảm đáng kể. Trong khi đó, khu vực tư nhân hiện nay lại là bên vay nhiều nhất từ ADB, điều mà ông cho rằng là "một sự chuyển đổi lành mạnh".
Việt Nam cũng từng là nước từng nhận viện trợ từ ADF trong thời gian dài trước khi kết thúc cách đây 8 năm.
Nếu một ngày nào đó Việt Nam ghi tên mình vào danh sách các nước đóng góp cho ADF, theo ông Tomoyuki Kimura, đó sẽ là một dẫn chứng thành công nữa của Việt Nam. Hiện trong ADB, chỉ có 7/36 nước chuyển vai từ người nhận sang người đóng góp cho ADF.
Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với ADB cũng còn rất nhiều, không còn xoay quanh việc cho - nhận viện trợ.
"Chúng tôi đang nghĩ đến các thành viên như Việt Nam - những nước đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu nhưng lại không đủ điều kiện nhận viện trợ và vốn vay ưu đãi.
Hiện chúng tôi đang thảo luận và cân nhắc về các công cụ tài chính ưu đãi giúp các nước như Việt Nam hay Philippines trong chống biến đổi khí hậu", ông Tomoyuki Kimura trả lời Tuổi Trẻ.
Gần đây ADB đã xem xét lại chính sách quản lý vốn của mình và nhận thấy rằng ngân hàng này thực sự có thể tăng đáng kể khả năng cho vay của mình.
"ADB cung cấp khoảng 26 tỉ USD mỗi năm nhưng hiện tại, về cơ bản, chúng tôi có thể nâng mức này thêm tối đa 10 tỉ USD. Vậy làm thế nào chúng ta sử dụng 10 tỉ USD này? Chúng ta có thể tăng vốn vay tương đối ưu đãi để các nước như Philippines, Ấn Độ hoặc Việt Nam tiếp cận", ông Tomoyuki Kimura tiết lộ.
https://tuoitre.vn/viet-nam-khong-duoc-nhan-vien-tro-tu-quy-adb-la-tin-hieu-tot-20240504060150599.htm