Nếu không nhờ những hoạt động cải tổ, tái cấu trúc kịp thời thì công ty đã phải phá sản vào tháng 6 năm ngoái, lãnh đạo Vinasun tuyên bố với cổ đông, phát triển thành taxi công nghệ là mục tiêu mà hãng này đã đặt ra cách đây 5 năm và đến nay đã có những bước tiến đáng kể. >>Grab không gây thiệt hại cho Vinasun?
Rất bất ngờ, phiên giao dịch cuối tuần 26/4 đã kết thúc thuận lợi với sự bứt tốc của các chỉ số trong buổi chiều. Kết phiên, VN-Index tăng 5,51 điểm tương ứng 0,57% lên 979,64 điểm và HNX-Index tăng 0,53 điểm tương ứng 0,49% lên 107,46 điểm.
Số mã tăng giá áp đảo so với số mã giảm trên quy mô toàn thị trường. Có tổng cộng 377 mã tăng, 55 mã tăng trần so với 252 mã giảm và 47 mã giảm sàn.
Trong phiên này, VHM có thể coi là “công thần” của VN-Index với mức đóng góp đáng kể tới 1,83 điểm cho chỉ số. Ngoài ra, VRE, HPG, POW, PLX… cũng có ảnh hưởng tích cực với diễn biến chung, ngược lại, MSN, BVH, GAS, EIB… lại sụt giảm.
Thanh khoản trước kỳ nghỉ lễ vấn chưa thể bứt phá với khối lượng giao dịch chỉ đạt 118,53 triệu cổ phiếu tương ứng 2.791,65 tỷ đồng trên HSX và 28,03 triệu cổ phiếu tương ứng 306,47 tỷ đồng trên HNX.
Theo lãnh đạo Vinasun, giữa các hãng vận tải taxi, cùng mặt bằng kinh doanh thì điều kiện kinh doanh phải giống nhau hoặc tương đồng
Cổ phiếu VNS của Vinasun đã tiếp tục giảm thêm 2,68% còn 14.550 đồng/cổ phiếu khiến vốn hoá chính thức mất ngưỡng 1.000 tỷ đồng, chỉ còn đạt 987 tỷ đồng sau khi công ty này tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Tại phiên họp này, ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Vinasun cho biết, năm 2018 là năm đỉnh điểm khó khăn đối với Vinasun nói riêng cũng như với các hãng taxi truyền thống nói chung. Theo đó, tổng doanh thu năm vừa rồi của Vinasun bị giảm tới 29% còn 2.073 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 53% còn hơn 89 tỷ đồng.
“Nếu không nhờ những hoạt động cải tổ, tái cấu trúc kịp thời thì công ty đã phải phá sản vào tháng 6 năm ngoái” – ông Thành cho biết.
Theo lãnh đạo Vinasun, sau khi Grab và Uber xuất hiện tại thị trường Việt Nam thì loại hình vận tải này phát triển liên tục, chưa có pháp luật điều chỉnh. Vinasun đang đấu tranh để có chính sách quản lý loại hình này cho phù hợp. Hiện nay, phần lớn các bộ, ngành đều đồng tình loại hình hoạt động như Grab là taxi – ông Thành cho biết.
“Hoạt động vận tải liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người nên điều kiện kinh doanh phải chặt chẽ, cùng mặt bằng kinh doanh thì điều kiện kinh doanh phải giống nhau hoặc tương đồng” – lãnh đạo Vinasun nêu lý lẽ.
Ông Thành cũng nhận xét, thông qua vụ kiện của Vinasun với Grab yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho thấy nhiều điểm chưa bình đẳng, có sự chênh lệch và gây khó khăn không chỉ cho Vinasun mà còn gây khó khăn cho Nhà nước trong quản lý và các doanh nghiệp vận tải khác.
“Dựa vào công lý để đấu tranh là lý do để chúng ta đi đến thắng lợi”, ông Thành nhìn nhận và tuyên bố với cổ đông: Phát triển thành taxi công nghệ là mục tiêu mà hãng này đã đặt ra cách đây 5 năm và đến nay đã có những bước tiến đáng kể, cải biến liên tục với app Vinasun, đồng thời cũng không ngừng học hỏi, tiếp thu những cái mới.
Trong năm 2019, lãnh đạo Vinasun cho rằng, bối cảnh cạnh tranh vẫn sẽ vô cùng khốc liệt. Hãng taxi này đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm nay lần lượt là 2.140 tỷ đồng và gần 100 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 3% và gần 12% so với năm 2018. Cổ tức năm 2019 dự kiến 10%.
Kết thúc quý I, công ty này có kết thúc khá thuận lợi với doanh thu tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng.
Trở lại với diễn biến của thị trường chứng khoán, với xu hướng phục hồi lại tiếp tục sau một phiên điều chỉnh trước đó, VDSC cho rằng, tâm lý nhà đầu tư có phần lạc quan trước kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên, theo VDSC, nhịp phục hồi này vẫn chỉ là ngắn hạn, còn xu hướng tăng trung hạn vẫn chưa hình thành. Nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục ở thời điểm hiện tại khi mà dòng tiền thường luân chuyển khá nhanh giữa các nhóm cổ phiếu.
Theo Mai Chi/Dân trí