Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp mở gian hàng dành riêng cho sản phẩm chính hãng trên các trang bán hàng trực tuyến góp phần giảm đáng kể tình trạng bán hàng giả, hàng nhái qua mạng
Thời gian gần đây, một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã mở khu vực đặc biệt để bán hàng chính hãng của các thương hiệu uy tín. Điều này góp phần cải thiện lối bán "thượng vàng hạ cám" thường thấy trên mạng.
Yên tâm hơn
Khai trương từ ngày 9-9-2018, kênh LazMall của Lazada Việt Nam thu hút khoảng 300 nhãn hàng uy tín. Các nhãn hiệu hợp tác với Lazada Việt Nam để cung ứng sản phẩm chính hãng là Abbott, L’Oréal, Samsung, Apple, Unilever, Lock & Lock…
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh của Lazada Việt Nam, khẳng định LazMall là bước đi chiến lược với mục đích mang đến những thương hiệu toàn cầu. LazMall cũng góp phần củng cố hình ảnh của các thương hiệu đối tác, tạo tiền đề giúp thương hiệu kết nối dễ dàng hơn đến người tiêu dùng.
Ra đời sớm hơn, từ ngày 10-10-2017, Shopee Mall của trang TMĐT Shopee cam kết bảo đảm tất cả hàng hóa cung cấp là chính hãng, chưa qua sử dụng và chế độ bảo hành tốt. Theo đại diện Shopee, nếu phát hiện người bán tại Shopee Mall bán hàng giả, nhái, không rõ xuất xứ, Shopee có quyền yêu cầu thanh toán khoản phí tương đương 10 triệu đồng hoặc 100% giá trị sản phẩm cho mỗi sản phẩm vi phạm. Vi phạm lần 2, người bán tại Shopee Mall sẽ bị loại khỏi khu vực này.
Gian hàng chính hãng của một sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp từ màn hình)
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho rằng động thái mở gian hàng dành riêng cho sản phẩm chính hãng trên các trang bán hàng trực tuyến là rất phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hình thức bán hàng này cũng giúp giảm đáng kể tình trạng bán hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT. "Sau nhiều vụ việc vi phạm chính sách bán hàng trên các sàn TMĐT, tôi được biết nhiều chủ sàn đã tăng cường biện pháp quản lý. Các biện pháp này kết hợp việc cho ra đời khu vực bán hàng chính hãng với tiêu chuẩn cao, chắc chắn chất lượng hàng hóa sẽ được kiểm soát tốt hơn" - ông Bình nhận xét.
Cũng đánh giá cao hiệu quả của các gian hàng chính hãng, ông Hà Tuấn Anh, Giám đốc Vinalink - đơn vị tư vấn chiến lược marketing, nhấn mạnh: "Ngoại trừ rủi ro rất nhỏ trong việc bị đánh tráo sản phẩm ở khâu phân phối thì gian hàng chính hãng có thể bảo đảm khách hàng mua được hàng chuẩn tới 99% bởi khi các hãng đã trực tiếp đăng ký bán hàng trên chợ điện tử, không thông qua người thứ 3 thì họ sẽ kiểm soát chặt chẽ và không bao giờ chấp nhận có sản phẩm giả trên đó".
Theo ông Hà Tuấn Anh, hình thức trưng bày các gian hàng chung nhau theo kiểu "thượng vàng hạ cám" như trước kia khiến cho TMĐT bị mất uy tín đáng kể trong việc bảo đảm cung cấp hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng. Định hướng gom sản phẩm có uy tín, được cung ứng trực tiếp bởi nhà sản xuất, như LazMall hay Shopee Mall, có thể khiến uy tín của sàn TMĐT được nâng cao. Thậm chí, xu hướng được dự báo sắp tới là ngoài những thương hiệu lớn, các nhà máy sản xuất cũng sẽ đặt gian hàng trực tiếp trên sàn TMĐT, thay vì thông qua trung gian. Khi đó, các nhà bán hàng trung gian, nhà bán hàng tổng hợp khó kiểm soát nguồn gốc sẽ "chết dần".
Vẫn có rủi ro
Dù vậy, Phó Chủ tịch VECOM Lê Hải Bình cũng lưu ý người dùng vẫn cần cẩn trọng trong việc đặt hàng, kiểm tra hàng hóa, quét mã sản phẩm để bảo đảm chính xác sản phẩm chuyển đến tay mình là hàng chính hãng khi mua trên sàn TMĐT. "Sàn TMĐT thực chất cũng giống chợ, chỉ khác là nó hoạt động dựa trên nền tảng điện tử. Do đó, dù kiểm soát chặt thì đôi khi vẫn khó tránh tình huống có sản phẩm giả, chất lượng kém bị trà trộn vào bán, thậm chí bị đánh tráo ở khâu giao hàng. Người tiêu dùng dù mua hàng trên chợ mạng hay ở các khu vực truyền thống cũng đều cần "thông thái" trong lựa chọn và tiếp nhận sản phẩm" - Phó Chủ tịch VECOM khuyến cáo.
Ông Hà Tuấn Anh cũng chia sẻ bản thân từng đặt hàng trên Amazon và phát hiện hàng giả sau khi quét mã kiểm tra. Ngay sau khi phản ánh với bên bán, ông nhận được phản hồi hàng hóa bị đánh tráo ở khâu giao hàng. Từ đó, ông khuyến khích người mua hàng cập nhật các kiến thức để kiểm tra hàng và đặc biệt không nên ngại "khiếu kiện" để bảo vệ quyền lợi.
Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là các trang TMĐT như Lazada, Shopee hay Sendo… ít nhiều vẫn chưa được đánh giá cao về uy tín cũng như vị trí. Do vậy, bước đầu, các sàn đa phần chỉ thu hút được thương hiệu chính hãng ở phân khúc bình dân, trung bình - khá. Các thương hiệu "đẳng cấp" sẽ không chọn sàn TMĐT làm nơi bán hàng.
"Hàng chính hãng cao cấp trên sàn TMĐT sẽ không có nhiều, khi mà chủ sàn TMĐT mới dừng ở việc xây dựng khu bán hàng riêng trên nền tảng cũ, chứ chưa tách ra thành trang riêng chuyên bán hàng hiệu cao cấp như nhiều nước đã làm. Tuy nhiên, việc xây dựng được khu vực bán hàng chính hãng cũng góp phần giúp người tiêu dùng được lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng và uy tín, bớt dần tâm lý nghi ngại về chất lượng hàng hóa trên chợ mạng" - ông Hà Tuấn Anh nhận định.
Cần thêm trách nhiệm cho chủ sàn
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng hình thức xây dựng khu vực riêng cho hàng chính hãng là động thái chuyển trách nhiệm bảo đảm uy tín của sản phẩm về phía nhà sản xuất, thay vì chịu trách nhiệm ở một số trường hợp như trước đây. Tuy nhiên, chủ sàn cũng cần thể hiện được trách nhiệm của mình khi xây dựng và sở hữu một hệ sinh thái để các thương hiệu và người tiêu dùng gặp nhau. "Chính sách của các sàn phải chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, các sàn cần tuyên bố làm việc với đối tác thương hiệu bảo đảm uy tín nhất định, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Không dễ dãi chấp nhận cho thương hiệu không đạt tiêu chuẩn, không tạo được niềm tin... được vào khu vực riêng của hàng chính hãng" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh góp ý.
Theo Phương Nhung/Người lao động