4
/
66784
Thị trường mì ăn liền hết thời 'ăn liền'
thi-truong-mi-an-lien-het-thoi-an-lien
news

Thị trường mì ăn liền hết thời 'ăn liền'

Thứ 3, 30/10/2018 | 10:07:01
648 lượt xem

Không còn thời kỳ tăng trưởng nóng, cuộc đua trên thị trường mì ăn liền đang chuyển hướng sang phân khúc cao cấp.

Dây chuyền sản xuất được đầu tư hiện đại của một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền ở VN - Ảnh: A.C. 

Sau một thời gian bị lấn lướt bởi mì ngoại nhập, các sản phẩm mì ăn liền trong nước đang dần chiếm lĩnh lại thị trường nhờ liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm.

Tăng trưởng trở lại

Tại cửa hàng tiện lợi trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TP.HCM) đầu giờ sáng, trong nhiều ngày chứng kiến nhiều khách hàng trẻ ra vào, trong đó có nhiều người đã đi thẳng vào kệ đựng mì ly rồi tự chế nước sôi ăn ngay. Mỗi phần mì ly giá 7.000-14.000 đồng tùy loại và được bán chạy nhất tại hệ thống cửa hàng tiện lợi này.

Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, sau hai năm 2015-2016 sụt giảm về dưới 5 tỉ gói, năm 2017 tiêu thụ mì gói ở VN đã tăng về trên mức 5 tỉ gói, tuy vẫn chưa quay về được mức con số đỉnh 5,2 tỉ gói của năm 2013 nhưng điều đó cũng cho thấy sự khả quan của thị trường. Với số lượng tiêu thụ này, VN đứng thứ năm trên thế giới về tiêu thụ sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ.

Theo một khảo sát gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, mì gói đang chiếm tỉ lệ cao trong các siêu thị ở ngành hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt ở hệ thống cửa hàng tiện lợi thì mì dạng ly lại chiếm đa số mức tiêu thụ. Khảo sát của tổ chức này tại hơn 200 cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM cũng ghi nhận Hảo Hảo chiếm thị phần lớn nhất trong danh mục mì gói, Modern lại có tỉ lệ thị phần cao nhất trong danh mục mì dạng ly.

Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, mì ăn liền luôn nằm trong tốp ngành hàng tiêu dùng nhanh được mua sắm thường xuyên nhất năm 2017, với tần suất khoảng 18 lần/năm/người. Điều này có nghĩa mì gói là sản phẩm mà người tiêu dùng nào cũng mua hơn một lần/tháng.

Áp lực liên tục đổi mới sản phẩm

Thị trường mì ăn liền VN được đánh giá đầy tiềm năng nhưng sẽ ngày càng khó khăn hơn do cạnh tranh mạnh và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, theo các doanh nghiệp, đổi mới là yêu cầu bắt buộc chứ không thể đầu tư theo kiểu "ăn liền", sản xuất được sản phẩm là có lời như trước. Hiện nay nhiều hãng mì đã liên tục tung ra các sản phẩm mới sau khi thăm dò kỹ người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu, mức tăng trưởng hằng năm hiện tại của Acecook VN - doanh nghiệp đang có thị phần lớn trong ngành mì ăn liền - là 7-8%. Không bằng lòng với ngôi vị "vua" mì gói ở phân khúc trung cấp, gần đây Acecook đang mở rộng qua mảng mì cao cấp, các dòng mì ly và đạt doanh số ấn tượng. Hiện công ty trên đang đẩy mạnh các sản phẩm mì cao cấp có rau, củ, trứng, thịt, hải sản..., đồng thời gia tăng các sản phẩm ăn liền từ gạo, trong đó có phở, bún, hủ tiếu (vốn chiếm 25 - 32% nguồn cung của công ty này).

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Acecook VN - chia sẻ: "Chúng tôi trung thành với triết lý kinh doanh mang tên Kaizen là tập trung cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm với mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm. Và người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng".

Trong tương lai, Acecook định hướng: "Phát triển thêm các sản phẩm mang nhiều giá trị gia tăng như sản phẩm gạo, các sản phẩm mì ăn liền bổ sung dinh dưỡng. Mục tiêu tăng trưởng của công ty ở VN là 10 - 15%" - ông Kajiwara Junichi nói.

Mì trong nước vươn lên

Đại diện hệ thống LotteMart cho biết cách đây vài năm, nhắc đến dòng mì cao cấp người ta nghĩ đến mì ngoại nhập khẩu như mì Thái Lan, Hàn Quốc nhưng hiện phân khúc này là cuộc chơi ngang ngửa của mì trong nước lẫn mì ngoại.

"Mì sản xuất tại VN vẫn cho thấy khả năng nắm bắt nhanh khẩu vị của người tiêu dùng. Các loại mì cao cấp ở VN giá ở mức 10.000-20.000 đồng/gói trong khi mì ngoại cao cấp giá phổ biến trên 22.000-35.000 đồng/gói", đại diện siêu thị nói.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp mì ăn liền lớn đang đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn lớn vào nhà máy, trang thiết bị, phòng thí nghiệm để tăng quản lý chất lượng cũng như phát triển sản phẩm mới. Doanh nghiệp nào sở hữu công nghệ hiện đại, xuất sắc hơn sẽ chiếm ưu thế, đặc biệt trong sản xuất các loại xúp, gia vị, rau, thịt bổ sung... nhằm bắt kịp thị hiếu của thị trường.

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, đánh giá các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đã có nhiều đầu tư, cải thiện kỹ thuật sản xuất lẫn bao bì sản phẩm, chất lượng nhiều mặt hàng đã vượt qua các hàng rào kiểm tra của những nước phát triển.

"Với thị trường có dân số đông, nhu cầu thực phẩm của người Việt không hề suy giảm mà còn tăng theo thu nhập, đây là tiềm năng cho việc cung cấp thêm nhiều chủng loại sản phẩm cũng như cách cải tiến hiệu quả sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp VN" - bà Chi nhận định.

Đã có hơn 60 nhãn hiệu mì gói

Khảo sát của Kantar Worldpanel cho thấy thị trường mì gói của VN thu hút rất nhiều thương hiệu và sản phẩm rất đa dạng. Hiện đang có trên 60 nhãn hiệu mì gói lớn nhỏ, nội ngoại, sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu và hơn 100 hương vị sản phẩm đang được bán tại VN.

Mùa World Cup vừa qua được xem là mùa "gặt hái" của ngành mì ăn liền, đặc biệt là mì dạng ly. "Số người tiêu dùng chọn mua mì ly, mì khay thay cho mì dạng gói tăng lên rõ rệt" - trưởng bộ phận bán hàng thực phẩm của một siêu thị trong nước cho biết.


Tăng cường dinh dưỡng cho mì ăn liền

Theo thống kê của một doanh nghiệp mì gói, cách đây 25 năm, tổng lượng tiêu thụ mì ăn liền tại VN là 1,2 tỉ gói/năm. Sau khi sản phẩm Hảo Hảo được bán ra vào năm 2000 cùng sự phát triển của thị trường, sản lượng sản xuất cùng nhu cầu tiêu dùng đã liên tục gia tăng, và hiện nay tổng lượng tiêu thụ đã đạt mức 5 tỉ gói/năm.

Bên cạnh các sản phẩm có bổ sung dinh dưỡng mà thể chất nhiều người VN còn thiếu như mì Doreamon có bổ sung canxi, mì Wakame có rong biển..., nhiều doanh nghiệp đang tính toán tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm theo hướng "mì ăn liền có lợi cho sức khỏe". Theo các chuyên gia, xu hướng trên có thể sẽ là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh trên thị trường mì gói những năm tới.


Theo Hải Kim/ Tuổi Trẻ

  • Từ khóa

Mở rộng triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Giá nhiều loại nông sản xuất khẩu đang tăng cao giúp người trồng hưởng lợi nhưng những doanh nghiệp trót ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp lại không thể mua...
08:06 - 29/04/2024
157 lượt xem

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 'lãnh đạn' vì Mỹ - Trung phân rẽ

Căng thẳng Mỹ - Trung khiến kinh tế 2 nước ngày càng phân cực với nhau đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho hầu hết các nền kinh tế khác ở châu Á - Thái...
10:57 - 28/04/2024
666 lượt xem

Hãng treo thưởng dịp 30-4 nhưng điều kiện khắt khe, nhiều tài xế tắt app tránh nóng

App xe công nghệ tung nhiều chính sách tăng tiền thưởng thu hút tài xế công nghệ tham gia chạy dịp lễ 30-4. Thời tiết nắng nóng, nhiều tài xế tắt app vì...
07:44 - 28/04/2024
747 lượt xem

EVN cần gần 480.000 tỉ đồng đầu tư

Con số trên được nêu trong các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu tại Quyết định 345 ngày 26.4.2024 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh...
20:44 - 27/04/2024
1,018 lượt xem

Giá vàng hôm nay 27.4.2024: Tăng thêm gần 1 triệu trước kỳ nghỉ lễ

Giá vàng trong nước trước kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 tiếp đà tăng cùng chiều thế giới, tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây cũng là mức giá đắt...
15:13 - 27/04/2024
1,259 lượt xem