Trái cây Việt xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc… thu về hàng tỉ USD trong khi ở thị trường nội địa, người Việt khó mua được quả ngon để ăn
Trái cây ngoại đang chiếm áp đảo ở các siêu thị Ảnh: TẤN THẠNH
Trong hơn 3,51 tỉ USD thu về từ xuất khẩu rau quả của năm 2017, trái cây tươi chiếm hơn 75%, tương đương hơn 2,63 tỉ USD. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chi trên 1,55 tỉ USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm 2016.
Muốn mua cũng khó
Xuất khẩu trái cây tăng đột biến nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM) - chuyên xuất khẩu trái cây đi Mỹ, nêu nghịch lý là phần lớn quả ngon, chất lượng cao đều dành cho xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước rất khó mua được. Bản thân ông tham gia các chương trình kết nối cung - cầu nhận thấy đặc sản trái cây vùng miền của Việt Nam rất nhiều mà người tiêu dùng trong nước chưa biết đến. Đặc biệt, những loại trái cây chất lượng cao được tuyển chọn theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường khó tính, người tiêu dùng muốn mua cũng khó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ dạng tươi, thị trường trong nước là chính, chiếm 80% tổng sản lượng sản xuất và phần lớn được phân phối ở kênh chợ truyền thống do 90% người tiêu dùng mua ở kênh này nhưng chất lượng không đồng đều. Các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng trái cây chỉ phục vụ cho một phần rất nhỏ người tiêu dùng, tập trung ở Hà Nội và TP HCM.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Lớn (Đồng Nai) - chuyên về xoài, cho biết HTX có những hợp đồng giá tốt bán thẳng cho siêu thị, doanh nghiệp (DN) nhưng sản lượng còn ít, còn lại bán cho thương lái.
Theo ông Bảo, thị trường tiêu thụ trái cây trong nước do thương lái làm chủ. Nghề của họ có nhiều rủi ro do làm ăn không có hợp đồng nên họ đặt định mức lời "khủng" để tự bảo hiểm cho mình. Ở khâu bán lẻ, nhiều người mỗi ngày chỉ chở 30 kg xoài để bán nên phải có lời cao mới đủ chi phí. Vì vậy, chuyện nông dân bán giá 1 đồng, người tiêu dùng Việt mua 3 đồng là bình thường. "Thị trường Việt Nam không công bằng cho nông dân và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tổ chức lại chuỗi cung ứng, cắt giảm các khâu trung gian cần phải có một đề án lớn với sự tham gia của nhiều thành phần mới giải quyết được và phải thực hiện trong nhiều năm" - ông Bảo nhìn nhận.
Siết trái cây ngoại vào siêu thị
Nhận ra thực tế đó, đặc biệt do nhu cầu tiêu dùng trái cây cao cấp của người dân ngày càng cao nên một số DN chuyên xuất khẩu bắt đầu phát triển thêm thị trường trong nước. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, không phải xuất khẩu là bán được giá cao. "Có nhiều thời điểm giá bán đi Mỹ của chúng tôi còn rẻ hơn giá chợ đầu mối. Bởi nguồn hàng được mua trực tiếp từ nông dân với số lượng lớn, không phải qua trung gian gây đội giá. Do đó, thời gian tới công ty sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ trái cây đạt chuẩn xuất khẩu tại TP HCM. Kế hoạch trong năm 2018 sẽ mở 4 cửa hàng để thăm dò thị trường" - ông Tùng nói.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết đang thực hiện chính sách ưu tiên hàng trái cây an toàn của nội địa. Tỉ lệ trái cây Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op luôn đạt tỉ lệ hơn 90%, còn lại 10% chủ yếu nhập khẩu do các loại này không trồng được ở Việt Nam như táo, lê, kiwi… Hiện nay, hệ thống siêu thị Co.opmart tiêu thụ trung bình hơn 60 tấn trái cây tươi mỗi ngày, chủ yếu là trái cây trong nước. Các loại xoài cát Hòa Lộc, thanh long Phan Thiết, quýt các loại, cam sành, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi… đang rất được ưa chuộng. Hiện nay, nhờ các chương trình kết nối, liên kết nên nguồn hàng khá dồi dào vì vậy giá tốt ổn định.
Cũng theo ông Huy, dịp Tết sắp đến, Saigon Co.op sẽ tăng lượng dự trữ lên gấp 3 lần để bảo đảm giá tốt và không bị đứt hàng. Kết quả bước đầu này nhờ những khu vực trồng trọt tập trung có thể kiểm soát quy trình trồng trọt, chất lượng, thu mua, đóng gói, vận chuyển đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, tỉ lệ tập trung chuyên canh còn khá khiêm tốn, cần quy hoạch và phát triển nhân rộng để chuyên nghiệp hóa các khâu, vừa để bảo đảm chất lượng vừa giảm chi phí và một phần cũng rất quan trọng là để xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam.
Tại hội nghị kết nối cung - cầu mới được tổ chức tại TP HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam hết sức trăn trở về làn sóng nhập khẩu nông sản. "Khi nông sản ngoại chiếm lĩnh thị trường trong nước thì hàng Việt Nam sản xuất ra phải chăng chỉ để xuất khẩu. Do đó, nông sản Việt phải chú trọng chất lượng, mẫu mã, giữ uy tín, xây dựng thương hiệu không chỉ cho xuất khẩu mà còn để phục vụ thị trường trong nước.
Vừa qua, ngành nông nghiệp có văn bản xin Chính phủ chủ trương xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản tại các vùng nguyên liệu phục vụ tổ chức lại sản xuất. Thời gian tới, có thể phải đặt ra quy định về tỉ lệ phần trăm phân phối nông sản ngoại cho các hệ thống siêu thị" - ông Nam nêu định hướng.
Nông dân cần có pháp nhân để giao dịch Nói về việc trái cây nội khó vào siêu thị, lãnh đạo một hệ thống bán lẻ nói qua khảo sát cho thấy nông dân có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng các nhà vườn rất ngại thực hiện những thủ tục pháp lý (đăng ký kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận an toàn thực phẩm,…) nên siêu thị không thể mua trực tiếp. Theo vị này, nông dân cần tham gia tổ hợp tác, HTX để tăng quy mô, có pháp nhân để giao dịch thì dễ cung cấp hàng không chỉ cho các siêu thị mà còn các vựa ở chợ đầu mối. |
Theo Ngọc Anh/ NLĐ