Nếu cải thiện biểu thuế thu nhập cá nhân như phương án đưa ra vào tháng 8 năm ngoái, thì ngân sách hụt thu 3.100 tỷ. Do đó, Bộ Tài chính nghiêng về một phương án khác mà ngân sách có thể tăng thu 500 tỷ.
Sợ hụt thu 6.000 tỷ đồng
Năm 2009, Luật thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực. Khi ấy, người có thu nhập cao hơn mức giảm trừ gia cảnh bắt đầu phải nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần gồm 7 bậc (5%; 10%; 15%; 20%; 25%; 30%; 35%). Người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khác nhau thì mức nộp thuế khác nhau.
Trong lần sửa đổi các luật thuế này, Bộ Tài chính đề xuất giảm bậc thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Bởi quá nhiều bậc, giãn cách giữa ở các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Cho nên, trong phương án đưa ra hồi tháng 8/2017, Bộ Tài chính muốn giảm giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Ngoài ra, sẽ điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn.
Phương án đưa ra hồi tháng 8/2017
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, với phương án dự thảo Luật này, nếu tính tác động trên số thu của năm 2015 thì tổng thu ngân sách giảm khoảng 3.100 tỷ đồng. Nếu tính thêm các yếu tố về tăng trưởng kinh tế thì dự tính số thu đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 5.968 tỷ đồng.
Ngân hàng Thế giới cho rằng: Mặc dù giảm thu ngân sách nhưng người nghèo lại không được lợi, mà những người có thu nhập ở mức trung bình, thu nhập cao sẽ được lợi nhiều hơn.
Chọn tăng thu 500 tỷ đồng
Số hụt thu không nhỏ này khiến Bộ Tài chính băn khoăn. Do đó, trong dự thảo biểu thuế thu nhập cá nhân mới nhất, Bộ Tài chính tuy vẫn giữ 5 bậc nhưng điều chỉnh lại một chút.
Phương án mới đưa ra có sự điều chỉnh một chút trong với hồi tháng 8/2017.
Thực hiện theo phương án này, Bộ Tài chính cho rằng sẽ đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn. Tuy nhiên, số thu ngân sách giảm khoảng 1.300 tỷ đồng (tính tác động trên số thu của năm 2015).
Đồng thời, có ý kiến cho rằng việc sửa biểu thuế này sẽ có lợi cho người giàu, cá nhân có thu nhập thấp không có lợi. Cụ thể, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay.
Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu/tháng sẽ được giảm 850.000/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...
Vì thế, Bộ Tài chính đưa ra một phương án khác nữa và đây là phương án Bộ Tài chính nghiêng về.
Thêm một phương án mới được đưa ra và Bộ Tài chính đang nghiêng về
Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng: Cá nhân có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 sẽ không bị ảnh hưởng, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ này, mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn.
Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng).
Phương án này khác với các phương án khác ở chỗ, ngân sách không giảm mà còn tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng.
Góp ý cho biểu thuế thu nhập cá nhân, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Để khuyến khích những người lao động tài năng có thu nhập cao, chống thất thu thuế từ hiện tượng khai man thu nhập, gian lận thuế, nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, thuế thu nhập cá nhân nộp về ngân sách hiện đã vượt số thu từ dầu thô và liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2014, ngân sách thu hơn 47.000 tỷ đồng từ sắc thuế này, đến năm 2016 đã tăng lên 64.000 đồng và theo dự toán 2017 có thể vượt 80.000 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu từ ngân sách qua thuế thu nhập cá nhân có xu hướng ngày càng tăng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị biểu thuế suất lũy tiến nên thay đổi từ 7 bậc thành 6 bậc.
Cụ thể, mức thuế suất 5% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng.
Mức thuế suất 9% cho các đối tượng chịu thuế có mức từ trên 10-15 triệu đồng/tháng.
Mức thuế suất 13% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập từ trên 15-30 triệu đồng/tháng.
Mức thuế suất 18% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 30-45 triệu đồng/tháng.
Mức thuế suất 24% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 45-70 triệu đồng/tháng.
Mức thuế suất 30% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 70 triệu đồng/tháng.
Theo Lương Bằng/VietnamNet