BGTV- Thời gian qua, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ được một số doanh nghiệp, địa phương thực hiện, tuy nhiên việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống. Trước thực trạng này Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, đời sống xã hội toàn dân nói chung. Trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện còn tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập như: Truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn. Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống; có hiện tượng “không xác định được tem truy xuất nguồn gốc” trên thị trường.
Các loại quả có múi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được áp dụng gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Thùy Liên/BGTV)
Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất xây dựng Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc với mục tiêu cụ thể là: Triển khai thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với 3 nhóm sản phẩm, hàng hoá trong nước:
- Nhóm các sản phẩm y tế;
- Nhóm sản phẩm nông sản thực phẩm;
- Nhóm sản phẩm công nghiệp nhẹ.
Bên cạnh đó, xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành sử dụng. Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, lập kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến người dân và các đối tượng thuộc mọi thành phần tham gia kinh doanh, cơ quan nhà nước có chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá về hoạt động truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chủ động áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dự thảo hiện đang đề xuất 6 nhiệm vụ của Đề án:
1. Thúc đẩy các bên tham gia truy xuất xây dựng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc có khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu truy xuất với các bên tham gia truy xuất khác trong chuỗi cung ứng;
2. Tăng cường quản lý và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc;
3. Tổ chức thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với nhóm đối tượng trọng điểm;
4. Xây dựng và triển khai biện pháp quản lý áp dụng tem truy xuất nguồn gốc;
5. Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia;
6. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc.
BGTV