Với một chiếc điện thoại di động kết nối internet và camera giám sát, dù ở bất cứ đâu người trồng đều có thể chăm sóc và giám sát trang trại của mình.
Thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp ngành nông nghiệp tiết giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...
Trồng, sản xuất rau sạch bằng... smartphone
Trồng, sản xuất rau sạch bằng... smartphone Có lẽ nằm mơ nhiều người cũng không thể nghĩ, sẽ có một ngày người nông dân không cần có mặt ở đồng ruộng cũng có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao và năng suất gấp 2-3 lần so với cách sản xuất truyền thống. Không chỉ mang lại năng suất, chất lượng cao hơn mà “ứng dụng thông minh” đã làm thay đổi tập quán canh tác, thay đổi thói quen sản xuất vốn có từ bao đời nay.
Hệ thống camera lắp đặt tại HTX Rau an toàn Hòa Bình.
Xuất phát là dân công nghệ thông tin, anh Trần Xuân Dự (Hà Nội) chưa từng nghĩ sẽ “kết duyên” với nông nghiệp. Giờ là giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Ravi (Ravi), anh Dự chia sẻ, chính vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc khiến anh trăn trở, phải làm sao để truy xuất được nguồn gốc. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh đã tìm ra câu trả lời, đó là: Cần áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Có như thế mới giải được bài toán nông nghiệp sạch đang được đặt ra hiện nay. Vì thế anh và đồng nghiệp đã nghĩ ra sáng kiến lắp camera ngay tại ruộng sản xuất và nhà sơ chế rau, đồng thời mã hóa mã vạch cho từng lô sản xuất.
Với quá trình sơ chế, công ty anh đã lập mã số dùng 1 lần và duy nhất cho mỗi bó rau. Khi phân phối trên thị trường, người tiêu dùng cào mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm được gắn trên bao bì sản phẩm sẽ có ngay thông tin như: Lô sản xuất, vụ canh tác, ngày thu hoạch, quy cách đóng gói và các thông tin của nhà sản xuất... Thực hiện vài thao tác trên điện thoại di động, người mua rau có thể xem trực tiếp camera thửa ruộng trồng rau đang cầm trên tay với độ nét khá cao.
Anh Dự tâm sự: “Minh bạch là cơ sở của mọi niềm tin, là nghĩa vụ của bất cứ nhà sản xuất nào đối với khách hàng. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai hệ thống camera thời gian thực trên toàn bộ đồng ruộng để bạn có thể ngồi ở nhà xem bất cứ lúc nào. Qua đó, Ravi mang đến một tiêu chuẩn về sự minh bạch tuyệt đối các hoạt động sản xuất của mình cho khách hàng”.
Còn công nghệ 4.0 lại được chàng sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đặng Xuân Trường - nhà sáng lập, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao Hachi Việt Nam (Hachi) áp dụng vào nông nghiệp thông qua phương pháp trồng cây theo hình thức thủy canh, có sử dụng hệ thống đèn led để chiếu sáng, thay thế ánh sáng mặt trời.
Hiện nay, Hachi triển khai hai loại sản phẩm là thủy canh nhà phố và thủy canh trang trại. Hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone. Hệ thống sẽ tự động tải dữ liệu của từng loại cây trên server của Hachi về để kích hoạt chế độ chăm sóc thông qua mạng wifi. Việc ứng dụng giải pháp của Hachi có thể giúp tăng 30% đến 50% tốc độ sinh trưởng của cây, đảm bảo sạch, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và trồng được những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên.
Điều đặc biệt là trang trại của Hachi không cần đất, cũng không cần người chăm sóc, bởi tất cả hệ thống theo dõi đã được tích hợp trên bộ điều khiển của smartphone. Đó cũng là những gì mà Hachi mong muốn mang đến cho hàng triệu không gian biệt thự, căn hộ ở đô thị.
Cần giải pháp tổng thể
Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Khi sự tăng trưởng nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, dựa vào tăng diện tích, tăng vụ, sử dụng nhiều lao động, vật tư… thì đây được cho là cơ hội để Việt Nam đổi mới công nghệ và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Chính vì vậy, tại Việt Nam thời điểm này không chỉ Ravi, Hachi mà còn có nhiều doanh nghiệp, người dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hoá các yếu tố như phân, nước, thuốc, độ ẩm… và chuyển vào các thiết bị kết nối internet như máy tính hay điện thoại.
Qua đó, họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình ở trang trại, ví như nông dân Vương Đình Phi (ấp Thành Mâu - P.7, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) làm vườn bằng... smartphone; nông dân Phạm Văn Hát gieo hạt bằng robot tự động; ông Đoàn Huỳnh Thông (Giám đốc Cty TNHH Chánh Phong) xử lý hạt giống bằng chiếc máy... “mặc áo cho hạt giống” nhập khẩu từ Hà Lan. Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco...
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, phải số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm. Những thành công trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy tiềm năng, triển vọng của nông nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 70% dân số Việt Nam vẫn dựa vào nông nghiệp là chủ yếu thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực nông thôn nói riêng là yêu cầu cần thiết. Việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân Việt Nam không bị đe dọa bởi nguy cơ mất dần việc làm và nguồn tiêu thụ vào tay nông dân các nước có công nghệ cao./.Cơ hội để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp./.
Theo Ánh Phương/Báo TNV