Chia sẻ về thách thức đối với ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số khi các giao dịch, thanh toán ngày càng thông minh hơn, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã lấy Uber làm minh chứng cho sự tham gia của các hình thức cạnh tranh, bài học cho phát triển ngân hàng số tại Việt Nam
Công nghệ thanh toán mới đang đe dọa công nghệ thanh toán của ngành ngân hàng
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ở Việt Nam đã cung ứng nhiều thanh toán số dưới hình thức thanh toán trực tuyến Internet Banking, SMS Banking, ứng dụng ngân hàng di động - Mobile Banking, thanh toán di động-Mobile Payment, thanh toán thẻ trực tuyến...
Tuy nhiên, những phương thức thanh toán trên vẫn được thiết kế, cung ứng theo những mô-đun biệt lập, thiếu sự tương tác giữa ngân hàng với khách hàng, chưa mang đến khách hàng trải nghiệm người dùng mượt mà, tối ưu kiểu như ứng dụng gọi xe Uber.
Khảo sát thực tế hoạt động tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ và công ty thanh toán điện tử, ông Dũng cho rằng: Việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ thanh toán còn phiền phức, đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục, quy trình sử dụng phức tạp, không theo một chuẩn thống nhất. Dịch vụ thanh toán điện tử còn có một số vấn đề về an toàn, bảo mật...
Về mặt pháp lý, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, cấp phép và giám sát các tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuy nhiên vẫn còn trở ngại về mặt quy định, pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng trẻ ưa tiện lợi, không thích quy trình, thủ tục gò bó, rườm rà cũng như tới những người dân chưa có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đại diện NHNN thừa nhận: Hành lang pháp lý, pháp quy cho những vấn đề mới như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu (qua open API), nhận biết khách hàng điện tử eKYC vẫn chưa được ban hành để tạo cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán an tâm đầu tư vào hạ tầng, giải pháp và nguồn nhân lực nhằm cung ứng những dịch vụ thanh toán số chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường tăng cao và kỳ vọng lớn từ phía khách hàng.
Nếu chuyển đổi sang ngân hàng số phải qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là số hóa thụ động, giai đoạn 2 là chuyển đổi từ các quy trình tương tự sang số hóa, và giai đoạn 3 là số hóa hoạt động ngân hàng, kinh doanh trên nền tảng số, thì theo nhận định của một số chuyên gia, các ngân hàng Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn 1 hoặc 2 chứ chưa đạt tới giai đoạn 3 với mục tiêu tối thượng là đáp ứng tốt nhất trải nghiệm số xuyên suốt, liền mạch của khách hàng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, hiện việc áp dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và hỗ trợ quá trình thực hiện giao dịch, thanh toán.
Các lĩnh vực khác đòi hỏi nhiều thủ tục, giấy tờ pháp lý nên chưa thể đơn giản hóa cũng như tự động hóa trong các khâu. Các bên tham gia giao dịch điện tử không được xác định danh tính, bị mạo danh; chối bỏ các hành động, dữ liệu đã được thực hiện...
Ông Tuấn cho biết: Ngoài thị trường đã có tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhập và sử dụng máy quét thanh toán bằng ngoại tệ khác ở Việt Nam, không thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch tiền tệ, tỷ giá hối đoái và tổ chức thanh toán.
Hiện nay, các phương thức giao dịch trên thế giới bằng thẻ, giao thức số, mã chứng nhận đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Amazon, Alibaba... đều áp dụng nhiều giao thức thanh toán mới mà ngân hàng chỉ là đơn vị phục vụ cho các giao dịch đó. Khách hàng của Alibaba tại Trung Quốc là hơn 650 triệu người, nhiều hơn rất nhiều so với các ngân hàng, điều này cho thấy các ngân hàng đã và đang gặp nhiều thách thức cạnh tranh
Ngoài nguy cơ các công ty thanh toán trực tuyến, giao dịch ngoại tệ lấn át hoạt động của ngân hàng, thì việc chậm thay đổi trong xây dựng các thiết bị hỗ trợ thanh toán, giao dịch tiền tệ khiến ngân hàng Việt có nguy cơ tụt hậu, bị cạnh tranh và lộ nhiều lỗ hổng bảo mật.
Nguy cơ về an ninh bảo mật đòi hỏi các Ngân hàng phải tăng cường giám sát giao dịch, đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát rủi ro, bảo mật thông tin khách hàng, bảo mật an ninh trong giao dịch trực tuyến.
Ông Tuấn bày tỏ: "Khác với tội phạm truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng khi thực hiện các hành vi phạm tội không bị giới hạn về không gian, thời gian, cách thức tấn công đa dạng từ việc gây gián đoạn, mất khả năng cung cấp dịch vụ của các ngân hàng; lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, khách hàng.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân Trí