Là nước sản xuất và chế biến cà phê nhân đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil, nhưng VN lại phụ thuộc vào giá cả của thế giới.
Bộ trưởng NN-PTNT thăm vườn cà phê chất lượng cao ở Lâm Đồng LÂM VIÊN
Đến nay chỉ 10% sản lượng cà phê của VN được dùng để chế biến sâu như: rang xay, bột, hòa tan… chủ yếu bán tại thị trường trong nước, 90% còn lại xuất khẩu thô ra thị trường thế giới nên không xây dựng được thương hiệu và giá trị thương mại rất thấp. Điều nghịch lý đó được ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu lên tại hội thảo quốc tế: Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê VN, trong khuôn khổ Ngày hội cà phê VN lần 1 (từ ngày 9 - 11.12) diễn ra tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho biết mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỉ USD cho cà phê tiêu dùng, nhưng doanh thu từ xuất khẩu cà phê của VN mới đạt 3,4 tỉ USD là quá khiêm tốn, cho thấy giá trị thương mại đạt quá thấp so với sản lượng (năm 2016 đạt 1,79 triệu tấn, cả thế giới 9,6 triệu tấn). Thực tế chứng minh hiện nay giá cà phê rất bấp bênh, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, giảm còn 37.000 đồng/kg (cà phê nhân), khiến người trồng gặp rất nhiều khó khăn. Định hướng phát triển ngành cà phê trong những năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh từ nay không tăng diện tích cà phê nhưng phải tăng năng suất và chất lượng. Mục tiêu ngành cà phê VN phải giữ vững vị trí thứ 2 trên thế giới về sản xuất, sản lượng, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỉ USD vào năm 2030.
Theo ông Lượng Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao VN, muốn vậy phải có lộ trình thực hiện 8 nhóm giải pháp năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Đáng chú ý trong các giải pháp đó là việc chọn giống năng suất và chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 20 - 30%. Song song đó là việc nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu, phấn đấu bán cà phê nhân cùng chất lượng bằng giá thế giới…
Theo Lâm Viên/ Thanh Niên