Những sàn thương mại điện tử ở Việt Nam như Lazada hay Tiki đang tăng tốc, tung ra nhiều giải pháp mới trước sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường.
Ngày càng nhiều người Việt chọn mua hàng nước ngoài qua thương mại điện tử - Ảnh: TL
Chẳng hạn, Lazada bước đầu tung ra dịch vụ thanh toán cho giao dịch mua hàng xuyên biên giới bằng cả thẻ tín dụng và thanh toán khi nhận hàng.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của sàn thương mại điện tử Tiki, cho biết cuối tháng 12 này sàn sẽ nhảy vào phân phối mảng sản phẩm dịch vụ như bán vé máy bay, các tour du lịch, phòng khách sạn và cả bảo hiểm... để đón đầu làn sóng tiêu dùng mới.
Theo giới kinh doanh, cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay chủ yếu giữa những "người khổng lồ", và sự xuất hiện của các đại gia như Alibaba, Shopee... đã kích hoạt, thúc đẩy thị trường mua sắm online của Việt Nam tăng nhanh hơn.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện khoảng 2-3 tỉ USD và trong 7 năm tới con số này được dự báo có thể lên đến 16-20 tỉ USD.
Theo ông Sơn, trước khi Alibaba mua lại Lazada như hiện nay, Tiki đã có khoảng thời gian phát triển thị trường tốt nhất nhưng định giá của Tiki lúc đó chỉ 1-2 triệu USD.
Ông Sơn cho rằng hiện nay 80% thu nhập của người dùng trẻ đang "dành ra để chi tiêu trên mạng" từ vé máy bay, thuê nhà...
Nhìn sang các nước, thị phần thương mại điện tử ở Hàn Quốc, Trung Quốc đều chiếm trên 20% thị trường bán lẻ, ngay cả Đài Loan cũng trên 17%.
"Nếu không có những người khổng lồ vào thì chúng tôi cũng sẽ khó có cơ hội nhận đầu tư khủng từ các quỹ đầu tư lớn khác. Không có gì lo lắng nếu thị trường có thêm những đối thủ", CEO Tiki nói.
Theo N.Bình/ Tuổi Trẻ