Hơn 20 ngày nữa xăng E5 sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92, nhưng các lo ngại về nguồn cung, hàng tồn xăng A92 và giá bán vẫn còn đó.
Bộ Công thương vừa có cuộc họp với các doanh nghiệp và sở công thương nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện lộ trình nhiên liệu sinh học.
Bơm xăng E5 vào xe bồn để đưa đến các đại lý bán lẻ trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết sẽ triển khai bán đại trà xăng E5 tại hệ thống cửa hàng bán lẻ từ ngày 15-12.
Tuy nhiên, với hơn 3 triệu mét khối năm được bán ra mỗi năm trong khi số lượng tiêu thụ chỉ ở mức 300.000m3, ông Dũng cho rằng ngoài cơ chế giá và phí, cần phải tăng cường, giám sát và kiểm tra các đại lý bán lẻ.
Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cho rằng đã chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết để thực hiện thay thế xăng A92, theo đó công suất pha xăng E5 của PVOil dự kiến khoảng 140.000 m3/tháng (1,68 triệu m3/năm), hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng E5.
PVOil cũng thực hiện gia công, pha chế xăng E5 cho một số đơn vị khác với khối lượng khoảng 800.000 m3/năm.
Trong khi đó, ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, đơn vị đang cung cấp gần như toàn bộ nguồn nguyên liệu ethanol (E100) để pha chế xăng E5, cho biết nguồn cung không đáng lo ngại do công ty đang dư thừa công suất để phối trộn xăng E5 so với nhu cầu hiện tại, chưa kể sẽ có thêm các nhà máy sản xuất ethanol khởi động lại.
Các doanh nghiệp đầu mối cũng tính đến việc nhập khẩu E100 nếu trong nước không đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu mối khác lại bày tỏ lo lắng.
Ông Trần Văn Tiến, Công ty TNHH Petro Bình Minh, cho biết công ty đang triển khai xây dựng kho chứa tại khu vực Quảng Ninh nhưng chưa hoàn thành. Do cơ sở vật chất còn khiêm tốn, lượng xăng dầu tiêu thụ có công suất nhỏ nên dự tính mua lại của các đầu mối khác.
"Chúng tôi vẫn đang thuê kho chứa, việc xử lý hàng tồn (xăng A92) cũng là cả vấn đề lớn khi hệ thống các cửa hàng của Bình Minh có thể tồn vài khối, chưa biết xử lý thế nào", ông Tiến cho biết.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết dù tích cực tuyên truyền nhưng lượng tiêu thụ xăng E5 còn "nhỏ giọt", chỉ khoảng 110.000 m3/tháng do người tiêu dùng còn e ngại.
Theo bà Lan, cần có nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp có lợi nhuận trong hai tháng đầu, ổn định kinh doanh để thực hiện thành công lộ trình trên.
Đặc biệt, bà Lan nói rằng phải đảm bảo 100% nguồn cung mới triển khai từ ngày 1-1-2018, vì nếu có "trục trặc" dù chỉ một ngày cũng sẽ tác động đến sinh hoạt của người dân.
"Cần có văn bản từ bộ chốt lượng tồn kho A92 là đến bao giờ. Đề nghị các doanh nghiệp đầu mối không cung cấp A92 nữa, nếu hết sẽ không nhập thêm và chuyển sang E5, chứ không đợi đến ngày 1-1-2018. Nếu không có những đơn vị quyết tâm thực hiện thì sau ngày 1-1-2018 sẽ vỡ trận", bà Lan khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết hơn 4 năm qua đã có một số địa phương triển khai cung cấp xăng E5 ra thị trường như Hải Phòng, Quảng Ngãi, Cần Thơ... mang lại lợi ích kinh tế lớn và chưa có người dân nào khiếu kiện về chất lượng xăng.
Nguồn E100 và E5 đã được các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo về số lượng và chất lượng, công tác chuẩn bị bồn chứa tại các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng xăng dầu đang được thực hiện.
Do đó, ông Vượng khẳng định lộ trình thay thế hoàn toàn xăng E5 phải được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ nút thắt giá, tới đây sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tạo sự chênh lệch 1.000 - 1.200 đồng/lít", ông Vượng cho biết.
Sẽ phạt nặng các đơn vị vi phạm Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết đã gửi văn bản yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng hữu quan kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu theo lộ trình của Chính phủ, tránh gian lận thương mại, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Theo đó, cục sẽ triển khai và làm việc với các đơn vị đầu mối, tổng đại lý để kiểm tra tình hình phối trộn, nếu phát hiện sẽ xử phạt 60-80 triệu đồng những trường hợp vi phạm thời hạn phối trộn. |
Theo Ngọc An/ Tuổi Trẻ