Dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, nhưng không dễ để giải quyết bài toán: làm sao tạo ra những sản phẩm tận dụng được toàn bộ sản lượng làm ra.
Số liệu từ sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, kim ngạch xuất khẩu dừa của tỉnh Bến Tre đạt khoảng 150 triệu USD vào năm 2016. Tình hình sản xuất cũng rất khả quan: diện tích trồng dừa khoảng 70.000 ha, tăng gần 2.000 ha so với năm 2015 kéo theo việc sản lượng tăng hơn 5% so với năm trước (đạt mức 600 triệu trái/ năm).
Tuy nhiên, dừa Bến Tre vẫn phải loay hoay một thời gian dài vì không có nhiều sản phẩm đầu ra mang lại nguồn thu tốt, tận dụng được sản lượng.
Hụt cả về chất lượng lẫn số lượng
Phần lớn doanh nghiệp chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô như cơm dừa sấy khô, chỉ sơ dừa, than gáo dừa…, chưa lựa chọn được sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao phù hợp với xu hướng của thế giới.
Chưa kể, những đơn vị này cũng không dám mạnh dạn đầu tư đổi mới, dẫn đến cả người nông dân lẫn doanh nghiệp kinh doanh dừa đều bỏ lỡ tiềm năng của tỉnh. Chất lượng sản phẩm từ dừa lại không đồng đều, dẫn đến việc không đủ sức làm chủ thị trường hay cạnh tranh với nước khác.
Bên cạnh đó, điểm khiến dừa Việt mất điểm trên thị trường quốc tế là quy trình sản xuất không đạt chuẩn về nông sản sạch, lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Đặc thù sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở Việt Nam khiến việc kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn.
Cần doanh nghiệp tiên phong
Gần đây, một số doanh nghiệp đã bắt đầu thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường. Quan trọng nhất là chọn sản phẩm có tiềm năng để mở rộng quy mô, được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), đơn vị nằm trong top đầu xuất khẩu sản phẩm từ dừa với hai mặt hàng chính là nước dừa và sữa dừa đóng hộp Cocoxim.
Công ty đầu tư máy móc của đối tác Tetra Pak từ Thụy Điển, dùng công nghệ tự động, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng chuẩn Âu - Mỹ. Dây chuyền sản xuất này được xem như trái tim của nhà máy, làm ra nhiều loại thành phẩm khác nhau: nước dừa, nước cốt dừa và sữa dừa. Betrimex cũng là đơn vị đầu tiên sử dụng công nghệ sản xuất tiệt trùng UHT trực tiếp để giữ lại hương vị dừa gần giống với tự nhiên nhất.
Việc mạnh dạn đầu tư vào dây chuyền công nghệ chế biến, đóng gói tiệt trùng cũng như sử dụng bao bì chất lượng của Tetra Pak còn giúp Betrimex được người tiêu dùng tin tưởng và có thêm lợi thế khi xâm nhập thị trường.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định, Betrimex đi theo mô hình liên kết doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị. Những hộ nông dân khi ký kết hợp tác với công ty sẽ được hỗ trợ vật tư trồng trọt như phân bón, thuốc trừ sâu; tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ để đảm bảo sự phá triển bền vững vườn dừa; bao tiêu đầu ra và thu mua dừa tận vườn.
Đơn vị còn đưa ra mức giá sàn, cam kết dù giá thị trường giảm thấp cũng mua dừa của nông dân đối tác; nếu giá thị trường cao hơn mức giá sàn, sẽ mua với giá thị trường và đảm bảo mua hết. Sau 1 năm triển khai, có khoảng 1600 hộ nông dân tham gia cho sản lượng 14.400.000 trái dừa/năm.
Theo Giang Thư Quân/ Zing