Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%.
Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm
Định hướng giai đoạn 2017 - 2020 cơ cấu lại nông nghiệp theo lĩnh vực, sản phẩm. Cụ thể, tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 cấp sản phẩm:
1- Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
2- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
3- Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh.
Chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn, hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với sinh thái của địa phương; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương để chủ động nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; giảm dần diện tích trồng sắn; phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao và cây dược liệu; tiếp tục phát triển các cây công nghiệp dài ngày ở những nơi có lợi thế, theo quy hoạch.
Về lĩnh vực chăn nuôi, rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái.
Tập trung cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 4,5-5%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt tối thiểu 5%/năm.
Về lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển - chế biến thủy sản, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật, nuôi đến chế biến thủy sản; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể,…); phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng (cá quả, rô phi, thác lác,…), phát triển nuôi biển (tôm hùm, cá biển, rong biển).
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt 4,5-5,0%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất thủy sản đạt tối thiểu 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn.
Cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng
Việc cơ cấu lại theo vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo Chí Kiên/Chinhphu.vn