Giá than thế giới tăng cao khiến cho Việt Nam mỗi năm phải mất thêm hàng tỉ USD nhập than về cho các nhà máy nhiệt điện.
Nhập khẩu than ngày càng lớn do nhu cầu từ các nhà máy nhiệt điện than - Ảnh: Tuoitre.vn
Theo Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), giá than tăng kể từ đầu năm 2016 có thể khiến Việt Nam phải chi thêm 1,27 tỉ USD mỗi năm.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá than quốc tế, trong đó có giá than Newcastle của Australia, đã tăng gấp đôi lên xấp xỉ 100 USD/tấn.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam ngày càng tăng khi năm 2016 nhập tới 12 triệu tấn than, tăng đến 131% so với 5,2 triệu tấn năm 2015.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 35 triệu tấn than vào năm 2021. Nếu tính theo giá hiện nay, thì thời điểm đó Việt Nam phải chi đến 3,5 tỷ USD để nhập khẩu than.
Ông Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu tài chính năng lượng của IEEFA, cho rằng việc tăng giá than làm ảnh hưởng và gây rủi ro về giá cả hàng hóa, gây thâm hụt thương mại.
Đồng thời giá than tăng đặt ra nhu cầu cấp bách cần đa dạng hóa hệ thống sản xuất điện, để kết hợp thêm các nguồn năng lượng tái tạo.
"Việt Nam cần tính toán để tránh bị mắc kẹt trong các các khoản đầu tư dài hạn mới vào nhà máy nhiệt điện than", ông Buckley khuyến nghị.
IEEFA cho biết việc giá than tăng gấp đôi từ đầu năm 2016 chủ yếu là do chính sách của Trung Quốc chuyển đổi thị trường than, duy trì lợi nhuận nhất định cho các công ty khai thác than trong nước.
Nước này cũng đang chuyển đổi sang năng lượng sạch và trong năm năm 2017 này Trung Quốc dự tính sẽ sẽ có thêm khoảng 50 gigawatt điện mặt trời.
Hiện giá điện mặt trời và điện gió ở Ấn Độ đã giảm gần 50% kể từ đầu năm 2016 khiến cho mức giá bán buôn xuống 38 USD/MWh.
Do đó, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu mới không thể cạnh tranh ở mức giá thấp như thế này và đầu tư vào năng lượng tái tạo đang là xu hướng để tăng trưởng ổn định.
Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập gần 12 triệu tấn than, trị giá gần 1,2 tỉ USD. Riêng trong tháng 10, Việt Nam nhập về khoảng 1,2 triệu tấn, trị giá 161 triệu USD, tương đương 128 USD/tấn, tăng hơn 68% so với tháng 10 năm ngoái. |
Theo Ngọc An/ Tuổi Trẻ