Theo ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn, nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM đánh giá cao ngành tài chính nhưng lo ngại tình trạng nợ gốc và lãi vay Việt Nam phải trả tăng nhanh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra giải pháp của ngành tài chính để vừa đảm bảo an toàn nợ công vừa đảm bảo nguồn tài chính cho phát triển đất nước.
Năm 2017, nợ công tăng 9%
Trả lời chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tốc độ nợ công của Việt Nam thời gian qua của tăng nhanh. Năm 2016, nợ công tăng 15% và năm 2017 tăng 9%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn.
Tuy nhiên, tốc độ gia tăng nợ công đang được kiểm soát chậm lại. Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành Chỉ thị 02 và trình Bộ Chính trị, Quốc hội ra Nghị quyết kế hoạch tài chính 5 năm với trần nợ công cũng được đưa và đang hoàn chỉnh Luật Nợ công (sửa đổi).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công dang từng bước được kiểm soát chặt chẽ và bước đầu cơ cấu đã có kết quả. Chỉ tiêu nợ công nằm trong giới hạn cho phép và bước đầu kiểm soát tốc độ gia tăng. Tăng kỳ hạn phát hành trái phiếu là điều rất quan trọng và với lãi suất hướng giảm dần.
Trong 10 tháng năm 2017, lãi suất còn 6,04%/năm, giảm một nửa so với trước. Kỳ hạn trái phiếu 6,7 năm trong khi 2013 có 2,98 năm, do đó cơ cấu từng bước đã triển khai tốt.
Hiện nay, nợ trong nước chiếm gần 61% trong tổng số nợ công, khi lãi suất hạ xuống, kỳ hạn dài ra cơ cấu này sẽ phát huy hiệu quả. Cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ cũng tốt hơn thông qua các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ đầu tư và quỹ bảo hiểm khác.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ xác định đầu tư từ nguồn vốn vay công cho dự án quan trọng, có tác động lan toả và từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công.
Đồng thời, xác định mức bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi là cực kỳ quan trọng để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công cũng như trần nợ công. Trong đó có giải pháp siết chặt bảo lãnh Chính phủ.
"Năm 2016 gần như Chính phủ không có bảo lãnh thêm dự án nào nữa. Hai ngân hàng chính sách chỉ bảo lãnh cho ngang bằng số trả nợ, không tăng thêm. Quốc hội đã có nghị quyết tài chính 5 năm nên bám sát vào đó điều hành", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, quá trình giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi thực hiện cương quyết theo chỉ đạo và đang nằm trong giới hạn là 300.000 tỷ. Đồng thời, ngành tài chính tăng cường thanh tra kiểm tra minh bạch tài chính công, nhất là đầu tư công.
Nợ công không xấu
Tranh luận về nội dung nợ công, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng: Bộ trưởng nói là thành công trong kìm hãm nợ công. Tuy nhiên, đó chỉ là “số là vỏ bên ngoài, nhưng linh hồn là đầu tư hiệu quả như thế nào. Nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu vì áp ực trả nợ gốc lãi, bù lỗ doanh nghiệp mà đầu tư không hiệu quả, đội vốn, thất thoát. Điều dó ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nền kinh tế và làm xấu uy tín của ta với quốc tế" - Đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội)
Đại biểu này cũng đề nghị Bộ trưởng cần báo cáo thêm đầu tư công hiệu quả ra sao.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tuấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu đầu tư công. Ông Dũng cũng nói rằng, đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành địa phương trong sử dụng.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, Bộ này đang triển khai nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển cấp phát sang cho vay lại, giảm tối đa bảo lãnh tín dụng... giám sát chi tiêu nợ công, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về nợ công.
Dự án chưa bám sát thực tế, thời gian kéo dài, đội vốn
Cùng tham gia giải trình tại phiên chất vấn của ĐBQH về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công, đầu tư công dàn trải dẫn đến thất thoát rất lớn. Sau này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 1792, sau đó có Luật Đầu tư công thì hiện chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm rất nhiều và bám sát khả năng cân đối của ngân sách. Phần nợ đọng của giai đoạn trước cũng đã được xử lý dứt điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư công không hiệu quả, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do các dự án cũng chưa bám sát thực tế; Thời gian triển khai dự án đầu tư hiện phải thực hiện rất nhiều thủ tục, làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, và giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp rà soát lại toàn bộ những bất cập trong đầu tư ông để sửa.
Các nước giảm ODA ưu đãi cho Việt Nam
Lo ngại việc huy động nguồn lực hiện nay gặp không ít khó khăn, Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết định hướng huy động nguồn lực, có định hướng chuyển từ nguồn vay vốn nước ngoài sang vay trong nước ngoài hay không?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã cơ cấu lại nợ công, tăng nguồn vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Theo đó, hiện nay tỷ lệ vốn vay trong nước đã chiếm đến 60% và vay nước ngoài chỉ còn chiếm trên 39%. Đặc biệt, việc vay vốn đã chuyển dần sang có kỳ hạn dài hơn với lãi thấp hơn, qua đó góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và giải quyết được đỉnh nợ công.
Về việc xử lý nợ công các khoản vay nước ngoài, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn vay ODA chỉ dừng trong giới hạn để kiểm soát được.
Tuy nhiên, đối với các dự án ODA, hiện nay do Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn nước có thu nhập trung bình nên các nước giảm ODA ưu đãi để chuyển sang vay thương mại. Các dự án trong năm nay và năm 2018 sẽ phải tranh thủ nguồn ưu đãi cao cho kế hoạch chi trong năm nay và năm 2018, khi nguồn vay ưu đã giảm đi sẽ giảm dần số dự án đầu tư./.
Theo Ngọc Thành - Nguyễn Quỳnh/VOV.VN