Tổng số triệu phú của thế giới năm 2016 đã tăng gần 8%, đạt mức kỷ lục: 16,5 triệu người với tổng giá trị tài sản cũng kỷ lục: 63.500 tỉ USD, tương đương GDP toàn thế giới năm 2011.
Đó là những thông tin từ Báo cáo thịnh vượng thế giới (World Wealth Report 2017) do hãng tư vấn toàn cầu Capgemini có trụ sở tại Paris, Pháp vừa công bố, sau khi nghiên cứu đánh giá mức độ thịnh vượng của 71 quốc gia.
Châu Á - Thái Bình Dương nhiều người giàu
Theo báo cáo, tổng tài sản của những cá nhân có tài sản ròng cao, được định nghĩa là những người có tài sản trị giá từ 1 triệu USD trở lên, trong năm 2016 đã tăng 8,2% so với năm trước đó, đạt 63.500 tỉ USD và đang trên đà vượt qua mốc 100.000 tỉ USD vào năm 2025.
Nếu số triệu phú có từ 1-5 triệu USD tăng 7,4%, thì số triệu phú có từ 30 triệu USD tăng 8,3% trong năm qua.
Chỉ tính riêng năm ngoái, khoảng 1,15 triệu người (tương đương số dân thủ đô Amsterdam của Hà Lan) đã gia nhập hàng ngũ các triệu phú thế giới. Mỹ, Nhật Bản, Đức và Trung Quốc là những nước có số triệu phú đông nhất.
Tổng số triệu phú của 4 quốc gia này đã chiếm gần 2/3 trong tổng số triệu phú thế giới. Số triệu phú của Mỹ tăng từ 4,46 triệu người năm 2015 lên 4,8 triệu người năm 2016.
Còn tại Trung Quốc - quốc gia có số dân đông gấp 4 lần nước Mỹ, số triệu phú từ mức hơn 1 triệu người đã tăng lên 1,13 triệu.
Các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ có tỉ lệ tăng triệu phú tương đương nhau. Xét theo khu vực, châu Á - Thái Bình Dương hiện là nơi có nhiều tỉ phú nhất, mặc dù tỉ lệ tăng đã giảm từ 9% còn 7,4% trong năm 2016.
Số triệu phú của khu vực này chiếm 5,5% tổng số triệu phú toàn cầu. Kế đó, Bắc Mỹ chiếm 5,2% và châu Âu chiếm 4,5%.
Năm qua, cả Nga, Brazil và Canada đều đã có cuộc "lội ngược dòng" so với đà suy giảm triệu phú tại những nước này.
Cụ thể, năm 2016 ở Nga số triệu phú cũng như tổng tài sản ròng của họ đều đã tăng khoảng 20% so với năm trước, đây cũng là mức tăng trưởng nhanh nhất. Brazil cũng có mức tăng 2 chữ số với cả số triệu phú và tổng tài sản ròng của họ.
Pháp vượt Anh trong top 5 về số triệu phú nhiều nhất nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Trong khi đó, Thụy Điển đã "đá bay" Singapore ra khỏi top 25 nước có số triệu phú nhiều nhất, mà nguyên nhân một phần cũng do suy thoái của thị trường chứng khoán tại quốc đảo sư tử.
Tiền đến từ đâu?
Tạp chí Fortune cho rằng thực tế tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn, cộng thêm tính thanh khoản tăng cao sau nhiều năm triển khai những biện pháp kích thích thị trường chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tạo lực đẩy khiến nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới tăng điểm kỷ lục.
Theo Hãng tin Bloomberg, nhìn về tổng thể, lượng tài sản của những triệu phú có thu nhập ròng cao đến từ chứng khoán tăng hơn so với năm 2016, trong khi các khoản đầu tư thay thế giảm, chỉ chiếm 9,7% tổng giá trị tài sản của họ so với tỉ lệ 15,7% của năm 2016.
Hãng Capgemini cho rằng sự gia nhập của các "ông lớn" công nghệ như Google, Amazon, Alibaba, Apple và Facebook vào lĩnh vực quản lý tài sản của những nhà đầu tư giàu có sẽ là chuyện "không tránh khỏi" trong vài năm tới.
Bằng chứng là thị trường đã có những sản phẩm và dịch vụ thanh toán do Alibaba (Trung Quốc) cung cấp.
Capgemini ước đoán sẽ có những sự phối hợp và hợp tác trong các dịch vụ quản lý tài sản truyền thống và các ứng dụng công nghệ thông tin, kiểu như sự kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo, với công tác hỗ trợ quản lý tài sản trong tương lai.
Theo D.Kim Thoa/ Tuổi Trẻ