Tuy các tỉnh Đông Nam Bộ phát triển vượt lên so với cả nước, song vẫn còn thấp xa khả năng và mong muốn; vẫn là phát triển từng tỉnh, tầm nhìn "tỉnh ta" chi phối; chưa rõ tư duy phát triển vùng, không có cơ chế, chính sách phát triển vùng...
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần thứ II năm 2017 với chủ đề: “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng” diễn ra chiều 26/9 tại TPHCM.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, VCCI tham dự diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần thứ II năm 2017
Liên kết vùng theo kiểu... "mạnh ai nấy làm"
PGS-TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong số 6 vùng kinh tế, hay hẹp hơn, trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng Đông Nam Bộ - Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, từ "đặc biệt" được dùng ở đây là hoàn toàn xứng đáng, bởi đây là vùng hội tụ đầy đủ hơn cả các điều kiện và lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, có vị thế là "trung tâm lớn nhất", "đi đầu" và đóng vai trò "dẫn dắt" phát triển kinh tế cả nước.
Cụ thể, vùng Đông Nam bộ sản xuất hơn 40% GDP cả nước, đóng góp 60% ngân sách nhà nước. Tính đến nay, vùng này chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đông Nam Bộ là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung tập trung ở "tứ giác" TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu, đang mở rộng ra Long An, Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế có hệ thống cảng tốt và có hậu phương công nghiệp tốt.
Bên cạnh đó, vùng kinh tế Đông Nam Bộ có "hạt nhân" là TPHCM. Là vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn.
TS Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, nếu so sánh với các vùng kinh tế khác trong cả nước thì vùng Đông Nam Bộ có lợi thế hơn hẳn như có đầu tầu rất mạnh là TPHCM
Mặc dù thừa nhận vai trò, vị trí đặc biệt của vùng Kinh tế Đông Nam Bộ nhưng TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn cho rằng, liên kết vùng ở đây vẫn còn nhiều hạn chế.
"Trong những ngày qua một số hội nghị kinh tế từ Bắc Trung Nam, đều có chung từ khóa của các hội nghị này đều là “liên kết”. Bức tranh chung của liên kết vùng kinh tế là tính liên kết còn khá yếu. Đặc trưng chung là mạnh ai nấy làm, chưa hình thành được kết nối về chiến lược, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. Và có lẽ, cái trọng tâm nhất chính là thiếu kết nối của các doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đồng tình quan điểm trên, ông Trần Đình Thiên cho rằng, tuy các tỉnh Đông Nam Bộ phát triển vượt lên so với cả nước, song vẫn còn thấp xa khả năng và mong muốn.
"Vẫn là phát triển từng tỉnh, tầm nhìn "tỉnh ta" chi phối; chưa rõ tư duy phát triển vùng, không có cơ chế, chính sách phát triển vùng. Thiếu hệ thống liên kết phát triển vùng được coi là một trong những cản trở phát triển lớn nhất hiện nay đối với vùng Đông Nam Bộ", TS Trần Đình Thiên nói.
Vì sao lại có tình trạng trên? Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên là do tư duy phát triển quốc gia và phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy "dàn hàng ngang", "chia đều". Vùng Đông Nam Bộ cũng có cơ chế, chính sách vận hành giống như các vùng khác trong cả nước...
PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra đề xuất: Quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới
Kỳ vọng vào "anh hai"
Từ thực tế trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra đề xuất: Quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, cần xác định lại cấu trúc vùng của khu vực Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TPHCM.
"Nên quy gọn để tránh phức tạp về cơ chế, chính sách; đề cao tư duy phát triển vùng, đặt (quy hoạch, chiến lược) phát triển từng tỉnh trong tư duy phát triển vùng, trên nền tảng và thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân phát triển" vùng của TPHCM; định hướng công nghệ cao (CMCN 4.0) và hội nhập - cạnh tranh phát triển toàn cầu", TS Trần Đình Thiên đề xuất.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, chúng ta chưa bao giờ có thể chế vùng mà chỉ có thể chế kinh tế cho nên mọi thứ từ quy hoạch tới phân bố của các tỉnh là vùng không chi phối được gì cả.
"Phải tạo cơ chế cho doanh nghiệp tự ngồi lại với nhau, chứ Nhà nước không cần can thiệp. Chức năng của nhà nước chỉ là điều tiết cơ sở hạ tầng. Ví dụ, muốn liên kết, hợp tác giữa TPHCM và Long An thì Tỉnh lộ 10 phải nối, chứ như hiện nay, mỗi tỉnh làm 1 nửa rồi để đó thì làm sao thúc đẩy khu công nghiệp phát triển được", ông Lịch nói.
Các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần thứ II
TS Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, nếu so sánh với các vùng kinh tế khác trong cả nước thì vùng Đông Nam Bộ có lợi thế hơn hẳn như có đầu tầu rất mạnh là TPHCM đã và đang là vùng kinh tế lớn của cả nước. Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đóng trụ sở tại TPHCM và bước đầu cũng đã có thể chế là có hội đồng của vùng kinh tế trọng điểm.
Chủ tịch VCCI khẳng định, trong lịch sử, TPHCM đã đóng vai trò “anh hai” trong nền kinh tế của cả khu vực. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ được đề xuất làm chủ tịch hội đồng vùng, sẽ đóng vai trò dẫn dắt và không có sự lựa chọn nào tốt hơn. TPHCM như là con sếu đầu đàn và các tỉnh thành khác sẽ là những con sếu trong đàn sếu đó. Chính sự phát triển của TPHCM sẽ tạo nên trung tâm lan tỏa trong khu vực.
"Theo tôi phương châm quan trọng trong phát triển kinh tế vùng chính là phương châm cùng thắng. Mà muốn cùng thắng thì phải xử lý được mối quan hệ giữa trung tâm và vệ tinh; Giữa việc hội tụ và lan tỏa trong sự phát triển của khu vực. TPHCM không chỉ khẳng định đầu tầu, trung tâm kinh tế của cả nước mà còn là đầu tầu cho cả khu vực ASEAN. Đó chính là sứ mệnh của cả miền Đông Nam Bộ chúng ta", ông Lộc nói.
Theo Công Quang/Dân trí