4
/
53597
Liên kết kinh tế miền Trung 'thiếu nhạc trưởng'
lien-ket-kinh-te-mien-trung-thieu-nhac-truong
news

Liên kết kinh tế miền Trung 'thiếu nhạc trưởng'

Thứ 3, 26/09/2017 | 07:18:36
346 lượt xem

Dù đạt được nhiều kết quả trong liên kết vùng, nhưng vùng duyên hải miền Trung đang tồn tại thực tế "mạnh ai lấy làm".

Ngày 25/9, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế miền Trung (lần 2) với chủ đề "Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững", do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của gần 700 đại biểu.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến dự. Phía UBND TP Đà Nẵng - đơn vị đồng tổ chức sự kiện có ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch thành phố, tham gia bàn chủ tọa, dù trong lịch có Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Không gian kinh tế đang bị chia cắt

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết không phải tự nhiên 10 tỉnh thành duyên hải miền Trung có thể ngồi lại với nhau. Động lực ở đây trước hết là lợi ích kinh tế ở từng địa phương, của vùng và cao hơn cả là nhà nước. Tiếp đó là phân bổ lợi ích, thu hút đầu tư…

lien-ket-kinh-te-mien-trung-thieu-nhac-truong

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông nhận xét, ngoài sự hỗ trợ quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành thì nội lực tự vươn lên của miền Trung rất lớn, ba năm qua các tỉnh thành làm được không ít việc. Duy nhất cả nước chỉ có miền Trung mới làm được việc đó. Tuy nhiên nhìn vào thực tế thì không thể phát triển kinh tế khi không gian kinh tế bị chia cắt như hiện nay.

Vùng duyên hải miền Trung nằm ở trục giao thông chính bắc nam, nhưng hiện cũng chưa hoàn chỉnh. "Đường Trường Sơn, đường sắt, đường bộ, đường ven biển đều chưa đồng bộ, đặc biệt tuyến đường ven biển kết nối 9 tỉnh miền Trung. Nếu chúng ta không tận dụng kết nối bắc – nam với đông – tây thì không gian rất hạn chế", Phó thủ tướng nói.

Ông giao nhiệm vụ 9 tỉnh duyên hải miền Trung phải nhìn trong kết nối bắc - nam và đông - tây, đánh giá tiềm năng và lợi thế khu vực này. Tiềm năng to lớn ở miền Trung là tài nguyên thiên nhiên, lao động dồi dào. Chín địa bàn cũng mạnh nhất kinh tế biển, đóng vai trò mặt tiền của kinh tế.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, "muốn liên kết vùng thì phải có dàn nhạc và trong dàn nhạc phải có nhạc trưởng". Ở đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã cho phép thí điểm vùng nhưng làm chưa được bao nhiêu. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo đệ trình Quốc hội dự án về luật các khu kinh tế hành chính đặc biệt, miền Trung có Bắc Vân Phong của Khánh Hoà.

Tư duy "mạnh ai nấy làm"

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết liên kết phát triển kinh tế miền Trung đã trải qua 6 năm và đã có những bước phát triển tốt nhất trong các vùng. Bằng chứng là số lượng các tỉnh thành trong sợi dây liên kết này ngày một tăng lên. Tới đây sẽ có thêm Quảng Bình, Nghệ An tham gia.

Tuy nhiên theo ông Thiên, "đoàn tàu" duyên hải miền Trung nếu không định hình rõ thì khó có thể chế để điều hành. Nếu chỉ "cơi nới" cho rộng mà không tạo ra động thái phát triển thì không giải quyết được vấn đề. "Một kỳ vọng cho kinh tế miền Trung rất lớn, nhưng còn lâu chúng ta mới đạt được kết quả như mong muốn", ông nói.

Thu nhập bình quân theo đầu người ở miền Trung vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước. Đây là điểm mà theo ông Thiên sẽ luôn khác biệt với tiềm năng và thế mạnh. Trình độ cơ bản của miền Trung vẫn chưa được cải thiện. Năng lực mới được phát triển chủ yếu về du lịch, còn các khu kinh tế, khu công nghiệp đang tận dụng chậm.

lien-ket-kinh-te-mien-trung-thieu-nhac-truong-1

Nhiều đại biểu cho rằng, miền Trung mới chỉ phát triển du lịch biển, nhờ tiềm năng hiện có. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Trần Đình Thiên nhìn nhận tầm nhìn khu kinh tế cảng biển, gắn với hàng không ở miền Trung chưa tốt, dàn trải và không phát triển. Các tỉnh vẫn còn tư duy "mạnh ai nấy chạy", chưa có tư duy phát triển vùng. Câu chuyện về chính quyền vùng cứ bàn mãi nhưng không giải quyết được.

Ông cho rằng, du lịch miền Trung "oai" nhất cả nước nhưng cần phải bàn lại, bởi báo cáo chủ yếu vẫn là du khách đến miền Trung tắm biển. "Du khách đi tắm chiếm bao nhiêu phần trăm tiền du lịch ở đây? Giá trị gia tăng cho du lịch của chúng ta rất thấp. Đà Nẵng là cấu phần cơ bản của du lịch hướng tới thu nhập cao, đẳng cấp cao, nhưng vẫn thiếu", ông nói, đồng thời đề nghị Trung ương cho miền Trung có một chương trình xác định làm sao để du lịch thành mũi nhọn; chấm dứt thực trạng mạnh ai nấy làm.

"Nếu không chúng ta cứ lờ mờ về chiến lược. Sáu năm qua liên kết vùng ở miền Trung làm được nhiều cái tốt nhưng ấm ức cũng nhiều. Tôi có nhận định có lẽ chúng ta phải tư duy lại cách làm về liên kết miền Trung", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói và đưa ra đề xuất nên chọn ưu tiên phát triển cảng biển và khu công nghiệp, khu tế; vừa rõ về thể chế ưu tiên, vừa về chức năng.

TS. Huỳnh Thế Du thì cho rằng, có một nghịch lý đang xảy ra ở duyên hải miền Trung, đó là khả năng thành công cao nhưng không có chuyện thành công ở cả 9 tỉnh thành. Ông đề xuất Trung ương phải tạo ra cơ chế vừa hợp tác vừa cạnh tranh và miền Trung chỉ cần một cảng nước sâu. Còn TS Trần Du Lịch nói: "Xét cho cùng mọi liên kết đều từ doanh nghiệp".

Đồng quan điểm với TS Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cho rằng ở diễn đàn lần thứ nhất cỏ vẻ như vai trò của hiệp hội và doanh nghiệp chưa được quan tâm. Nếu doanh nghiệp đứng ngoài cuộc thì sẽ không có người thực hiện. Do đó, cần có nội dung liên kết cụ thể để hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải bằng xin - cho, mà bằng cơ chế.

Phát biểu kết thúc diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nên duy trì Diễn đàn hai năm một lần, để các chuyên gia bàn luận, đưa ra những giải pháp thực sự hữu hiệu cho phát triển kinh tế vùng.

"Ban tổ chức bình chọn câu nói ấn tượng nhất là 'miền Trung có rất nhiều thế mạnh nhưng mạnh nhất là mạnh ai nấy làm', điều đó thôi thúc làm diễn đàn như thế này để sau này câu nói đó chỉ còn là hoài niệm", Phó thủ tướng nói, đồng thời nhận định, liên kết vùng và cát cứ đang là rào cản lớn của phát triển. Kết nối đã có nhưng chưa thực chất mới chỉ trong liên kết vùng, phát triển dưới tiềm năng và mong đợi, GDP bình quân còn thấp, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn 17-18% nên thu nhập bình quân thấp.

Ông cho rằng, dứt khoát không có chính quyền cấp vùng, vì "Hiến pháp không quy định và chưa có ai đặt ra vấn đề". Phó thủ tướng các bộ chức năng kết hợp với ban điều phối vùng rà soát xem xét nội dung các kiến nghị; Ban điều phối vùng có báo cáo tổng hợp các kiến nghị đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ; Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo ý kiến của Thủ tướng về các vấn đề này.

"Phải có kết luận cụ thể chứ họp xong xuôi tất cả lại về thì không có ý nghĩa gì", Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho biết có thể tổ chức hội nghị toàn quốc về liên kết vùng vào sang năm sẽ do Thủ tướng chủ trì.

Theo Nguyễn Đông/VnExpress

  • Từ khóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về "3 mục tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp" của logistics

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa nội địa; xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do
13:58 - 02/12/2024
35 lượt xem

Traveloka, Booking, Agoda đang át vía các đại lý du lịch Việt

Phần lớn thị phần du lịch trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) ngoại như Traveloka, Booking.com và Agoda. Các doanh nghiệp...
10:18 - 02/12/2024
128 lượt xem

Siết thuế sàn thương mại điện tử

Từ 1.4.2025, theo sửa đổi một số điều của luật Quản lý thuế, sàn thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số...
07:17 - 02/12/2024
194 lượt xem

Xuất nhập khẩu “bùng nổ”, ngành logistics cần nắm bắt thời cơ

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang dần tiệm cận con số 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Đây cũng là cơ hội cho...
09:35 - 01/12/2024
723 lượt xem

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua...
19:06 - 30/11/2024
1,062 lượt xem