Cơ cấu lại nguồn lực tài chính, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước và quản lý nợ công...
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 với chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững” do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức diễn ra ngày 21/9 tại Hà Nội. Đây sẽ là diễn đàn thường niên được USAID hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG).
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 với chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững”.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngân sách nhà nước sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Tăng trưởng kinh tế còn khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, trong khi áp lực tăng chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng, nhất là đối với yêu cầu chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo. Đây là một trong những nguyên nhân làm bội chi ngân sách và nợ công tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính công.
Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), để đảm bảo bền vững tài khóa ở Việt Nam, hướng đến một chiến lược tổng thể, Việt Nam sẽ cần cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.
Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát và cắt giảm chi thường xuyên, đảm bảo tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Ông Tuấn cũng cho rằng, việc cải cách đồng bộ hệ thống thuế, đảm bảo hình thành một hệ thống vừa hỗ trợ cho tăng trưởng, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; xây dựng một lộ trình cụ thể hơn để giảm dần thâm hụt ngân sách, qua đó hạn chế sự gia tăng của nợ công; quản lý chặt nợ công và nghĩa vụ trả nợ, trong đó tập trung kiểm soát việc vay nợ của chính quyền địa phương, được dự báo sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Giám đốc Quốc gia Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - ông Michael Greene cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của USAID là giúp Việt Nam xây dựng chính sách, quy định và pháp luật về tài chính, có sự tham gia tốt hơn của người dân.
“USAID hi vọng Diễn đàn sẽ là cơ hội thường niên để thảo luận các vấn đề liên quan chính sách công. Với sự hợp tác giữa USAID và Bộ Tài chính, tới đây Viện Chiến lược tài chính có thể củng cố năng lực của mình để đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế Việt Nam”, Michael Greene khẳng định.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng cho biết, với mục tiêu hướng tới một nền tài chính công lành mạnh, an toàn và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 nhằm đưa ra các chủ trương và giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Điểm đáng chú ý của Nghị quyết này là đề ra một số giải pháp cải cách tài chính công như cơ cấu lại thu, chi ngân sách theo hướng mở rộng cơ sở thu, tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Về chi ngân sách nhà nước, Nghị quyết cũng chỉ ra các giải pháp nhằm từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập, đổi mới quản lý chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để thực hiện những định hướng chính sách về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước và quản lý nợ công.
“Bộ sẽ trình, đề xuất về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Quản lý nợ công…”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, Bộ Tài chính cũng sẽ hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan về kế hoạch tài chính trung hạn; khoán chi hành chính; cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài sản công; nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý ngân sách…/.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN