Ngoài việc sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mẫu mã, chai lọ sạch đẹp để theo kịp thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Với nghề truyền thống lâu đời, hiện nay nghề sản xuất nước mắm ở xứ biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đang phát triển mạnh. Thị trường tiêu thụ tốt, các cơ sở sản xuất nước mắm đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đây là tín hiệu đáng mừng sau một năm xảy ra sự cố Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố mập mờ chỉ tiêu arsen trong nước mắm truyền thống.
Mùa cá Nam, các bến cá trên địa bàn thành phố Phan Thiết ngày nào cũng tấp nập ghe thuyền đưa cá cơm vào bến. Đây là nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm nhĩ cá cơm. Cơ sở nước mắm Ngọc Định có tất cả 350 mái chượp, với tổng sản lượng 28.000 lít nước mắm/năm. Mấy ngày qua, lượng cá cơm về nhiều, nên cơ sở đã muối được gần 90% mái chượp.
Việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm đang được các cơ sở nước mắm truyền thống Phan Thiết chú trọng.
Ông Huỳnh Đức Ngọc, chủ cơ sở nước mắm Ngọc Định cho biết, sản lượng cá cơm năm nay tăng cao. Hơn nữa, cá cơm trong mùa vụ này chiếm đến 90% là cá tươi để chượp, là điều kiện thuận lợi lớn đảm bảo cho chất lượng nước mắm.
Hai khu nhà lều với sức chứa 200 tấn cá của cơ sở nước mắm Bà Hai ở phường Phú Hài cũng đang tất bật công đoạn muối cá. Cá cơm và cá nục tươi vào bến là được chuyển ngay vào nhà lều trộn muối chượp.
“Đến giờ này cơ sở cũng thu mua được khoảng 80% lượng cá đầu vào với chất lượng tương đối ổn. Sắp tới, khi lượng cá về nhiều hơn, các nhà lều sẽ muối cá nhiều hơn và làm ra sản phẩm tốt hơn”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ cơ sở nước mắm Bà Hai cho biết.
Gần đây, sản phẩm bán ra thị trường nhiều, doanh thu khá, nên các cơ sở nước mắm truyền thống ở Bình Thuận tiến hành mở rộng quy mô sản xuất. Không những tăng về số lượng mà còn chú trọng cả chất lượng sản phẩm, nhất là tập trung mạnh ở khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu muối cá đến khâu cho ra nước mắm thành phẩm đóng chai.
Đầu năm nay, doanh nghiệp nước mắm Hồng Anh (Phan Thiết) đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để lát gạch và nâng cấp khu vực trộn cá cũng như làm thêm bể chứa để tăng sản lượng lên thêm 200 tấn cá đầu vào. Những năm trước sản lượng chỉ 500 tấn, năm nay tăng lên 700 tấn.
Ông Trương Văn Dũng, Chủ doanh nghiệp nước mắm Hồng Anh cảm thấy phấn khởi vì ngành nghề truyền thống của gia đình đang có chiều hướng phát triển tốt.
“Đối với mặt hàng nước mắm đóng chai, doanh nghiệp đã đầu tư mẫu mã, chai lọ sạch đẹp để theo kịp thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Điều đáng mừng là nước mắm đóng chai của doanh nghiệp đã xuất bán được ở nhiều siêu thị, cửa hàng trong nước”, ông Dũng chia sẻ.
Năm 2016, sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố mập mờ chỉ số arsen, cả nước lên tiếng bảo vệ ngành nghề nước mắm truyền thống. Qua đó, sản phẩm nước mắm truyền thống Phan Thiết cũng như nhiều địa phương khác càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Người tiêu dùng thấy được giá trị thực của sản phẩm nước mắm truyền thống.
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho biết, trong năm qua, nước mắm truyền thống của các hội viên trực tiếp đóng chai bán ra thị trường có hiệu quả rất cao nên ai cũng dự định đầu tư.
“Hiệp hội đã bàn bạc với nhau theo hướng tập trung sản xuất đi vào chất lượng. Sản xuất nước mắm kết hợp với đóng chai sẽ có hiệu quả kinh tế tốt hơn là chỉ sản xuất nước mắm sau đó bán cho các công ty thu mua”, ông Hiến cho biết.
Phan Thiết hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Năm 2007, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp phép bảo hộ chỉ dẫn địa lý tên gọi xuất xứ “Phan Thiết” cho vùng sản xuất này.
Với hơn 200 năm tồn tại, ngành nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở xứ biển này trải qua những gian đoạn thăng trầm. Với đà phát triển như hiện nay, nước mắm truyền thống Phan Thiết, Bình Thuận đang có cơ hội vươn xa hơn để lấy lại danh tiếng một thời./.
Theo Việt Quốc/VOV-TP HCM