Liên quan đến việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT tuyến quốc lộ (QL) 5, lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) cho biết, thu phí ở QL 5 là đúng quy định, mức phí áp dụng đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Việc giảm phí phải có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Trạm thu phí trên Quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng.
Những ngày vừa qua, một số tài xế ôtô tiếp tục dùng các tập tiền lẻ có mệnh giá 200 và 500 đồng để trả phí qua trạm thu phí số 1 trên QL 5 khiến tuyến đường ùn tắc cục bộ. Nhiều người dân cho rằng, QL 5 vốn là đường Nhà nước, nhà đầu tư không xây dựng hay cải tạo tuyến đường này nhưng đặt tới 2 trạm thu phí với mức giá quá cao với mục đích hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là không đúng.
Ông Đặng Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI (chủ đầu tư, quản lý các trạm thu phí QL 5) cho biết, sự việc tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí trên QL 5 hai ngày qua đã gây ảnh hưởng đến giao thông. Đơn vị đã có báo cáo tình hình với Bộ GTVT và đề xuất giải quyết một số vấn đề trong đó có việc bảo đảm cho trạm thu phí hoạt động trong thời gian tới.
Ông Tâm cho rằng, theo phương án tài chính được phê duyệt, mức phí thấp nhất QL 5 là 45.000 đồng, hiện nay chủ đầu tư đang áp dụng mức thu 40.000 đồng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT, do vậy sẽ không thể tiếp tục giảm. “Việc giảm phí trên trạm QL 5 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và phương án tài chính của nhà đầu tư. Đó là chưa kể những cam kết hỗ trợ của Nhà nước về khoản chi phí giải phóng mặt bằng, tái cơ cấu các khoản vay từ ngân hàng nước ngoài đến nay vẫn chưa được thực hiện khi khoản nợ vẫn ‘treo lơ lửng’ trên đầu nhà đầu tư”, ông Tâm nói.
Về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ làm việc với chủ đầu tư và địa phương tổ chức thu phí, không để xảy ra ùn tắc trên đường. “Việc tổ chức thu phí trên QL 5 là đúng quy định, mức phí áp dụng đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Quyền thu phí tại QL 5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang được thế chấp vay ngân hàng, do vậy chỉ cần nguồn thu sụt giảm sẻ ảnh hưởng ngay”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tiền lẻ được phép sử dụng, vì vậy việc chủ phương tiện dùng tiền lẻ để thanh toán không vi phạm pháp luật và được đơn vị thu phí chấp thuận. Ban quản lý trạm thu phí sẽ phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng phương tiện đỗ vào làn riêng và bố trí người đếm tiền, phát vé cho chủ phương tiện.
Đề cập đến việc giảm phí theo yêu cầu của người dân, đại diện VIDIFI cho biết, Tổng Công ty sẽ trình Bộ GTVT xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh bất hợp lý cho các hộ dân sống hai bên trạm thu phí có phương tiện đi qua hàng ngày bị ảnh hưởng để có chính sách miễn giảm hợp lý.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, trạm thu phí trên QL 5 nằm trong những trạm mà Tổng cục đang rà soát về mức phí và hoạt động thu phí. Tuy nhiên, việc miễn, giảm phí phải có đề xuất của địa phương. “Hiện tại các địa phương trên tuyến QL 5 đi qua chưa có văn bản đề xuất miễn, giảm phí. Sau khi rà soát các trạm Tổng cục Đường bộ sẽ có những đánh giá về sự tác động cụ thể về mức phí trên tuyến. Tổng cục đã yêu cầu địa phương khảo sát số lượng người dân vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí QL 5 trong phạm vi bán kính từ 3-5km để trình xem xét chính sách miễn giảm”, ông Huyện cho hay.
QL 5 đã được nâng cấp và khai thác hơn 18 năm (được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6-1996 và hoàn thành tháng 6-1998). VIDIFI được giao thu phí các phương tiện giao thông đường bộ trên QL 5 để hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Kể từ ngày 1-1-2016, VIDIFI được bàn giao giao công tác quản lý, bảo trì QL 5 và đưa khoản chi phí quản lý, bảo trì và sửa chữa tuyến đường này vào phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Hiện phương tiện qua hai trạm trên khoảng 34.000 xe mỗi ngày. Từ năm 2009 đến nay, đơn vị quản lý thu được khoảng 1.700 tỷ đồng tiền phí. Trong đó, chi phí sửa chữa cải tạo 500 tỷ đồng cho QL 5 vào năm 2013 và chuẩn bị sửa chữa toàn tuyến 100km với kinh phí 2.000 tỷ đồng. |
Theo TTXVN