Người phát ngôn Chính phủ cho biết, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra là một cố gắng lớn trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô.
>> WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ 6,3%
>> TS Lưu Bích Hồ: "Thế giới không nói nhiều về tăng trưởng như Việt Nam"
>> Mục tiêu tăng GDP 6,7% vẫn rất khó khăn dù tăng trưởng quý 2 cao
(Ảnh minh hoạ).
Báo cáo tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào đầu tuần này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã họp đánh giá sơ bộ những nhiệm vụ về kinh tế - xã hội trong cả năm 2017 và dự kiến kế hoạch 2018.
GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7%
Trên cơ sở đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, Bộ trưởng cho biết, ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay đều đạt và vượt mục tiêu đề ra (8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% như đã đề ra và xuất khẩu dự kiến tăng hơn 14%, gấp đôi so với mục tiêu đã đề ra.
"Đây là điều hết sức đáng mừng. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra là một cố gắng lớn trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể hơn về những yếu tố đảm bảo năm nay có thể hoàn thành chỉ tiêu GDP 6,7%, Bộ trưởng cho biết, còn 4 tháng nữa sẽ hết năm 2017 nhưng để đạt tăng trưởng 6,7% thì nông nghiệp phải tăng trưởng được 3,05%. Và "rất mừng" là vừa qua ảnh hưởng của mưa, bão, lũ gây thiệt hại với nông nghiệp đỡ hơn so với thiệt hại năm 2016.
"Bây giờ đang vào mùa hạn của các tỉnh miền Trung nhưng đến thời điểm này việc tăng sản lượng thủy sản, chăn nuôi khá tốt. Mặc dù vừa rồi chăn nuôi có sự thăng trầm của giá heo nhưng rất mừng hàng hóa nông sản, hoa quả đã có sản lượng xuất khẩu rất tốt. Kịch bản đưa ra là 33 tỷ USD nhưng khả năng đến nay ta có thể đạt 35 tỷ USD", Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, về công nghiệp phải tăng trưởng được 7,91%. Trong 8 tháng vừa qua, tăng trưởng về công nghiệp là 6,7% mặc dù so với cùng kỷ 2016 là 7,2% có thấp hơn. Mặc dù khai khoáng giảm 6,9% nhưng sản xuất, chế tạo, chế biến tăng, cung cấp nước sạch tăng so với cùng kỳ. Riêng điện tăng 8,6%, cùng kỳ tăng 12,3%, như vậy là thấp hơn, nhưng thấp hơn là tín hiệu mừng vì năm 2016 thời tiết rất nóng nên tiêu thụ nhiều điện, còn năm nay thời tiết mát hơn nên tiêu thụ ít điện hơn.
Về du lịch, dịch vụ phải tăng trưởng được 7,19%. Trong 8 tháng vừa qua khách du lịch tăng, dịch vụ và sức mua của đồng tiền tốt hơn trong khi tăng vốn tín dụng cao hơn, lãi suất giảm, chi phí đáp ứng tiêu dùng giảm xuống. Tuy nhiên còn nhiều rào cản.
"Vậy sự tăng trưởng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thủ tướng chỉ đạo là đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả, tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%. Tốc độ giải ngân vốn ODA, giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước… trong những tháng cuối năm sẽ tốt hơn rất nhiều", ông nói.
Gỡ bỏ rào cản, bỏ "giấy phép con, giấy phép cháu"
Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh tới việc sẽ tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là vấn đề thủ tục hành chính, rà soát 5.719 thủ tục kinh doanh, rà soát toàn bộ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của các bộ hiện nay.
Theo Bộ trưởng, nếu tháo gỡ được những rào cản này, bỏ được giấy phép con, giấy phép cháu thì chúng ta dứt khoát sẽ thành công nếu đảm bảo những điều kiện cho doanh nghiệp duy trì phát triển. Số doanh nghiệp thành lập mới và phục hồi của 8 tháng là 104.000 doanh nghiệp (85.000 doanh nghiệp mới và 17.000 doanh nghiệp phục hồi). Quý I tăng trưởng GDP 5,15%, quý II đạt 6,17%, chung cả 6 tháng đạt 5,75%. Vậy 6 tháng còn lại của 2017 phải bảo đảm được tăng trưởng 7,42%.
"Mục tiêu này với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là các bộ trưởng, các bộ chuyên ngành, các “tổng tư lệnh” đã được Thủ tướng giao rất rõ, nhất là các tỉnh, vùng trọng điểm công nghiệp", ông nói.
Ví dụ được Bộ trưởng chỉ ra như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, ngoài bắc có Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang… tập trung tăng trưởng các nơi này là tăng trưởng cả nước. Tăng trưởng này là sự tăng trưởng quyết định để bảo đảm cân đối dự toán ngân sách Nhà nước, bảo đảm vấn đề nợ công, nếu tăng trưởng tốt thì ta có dư địa để tăng khả năng thu hút đầu tư. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 liên quan đến DN tư nhân đang tập trung tất cả những điều kiện tốt nhất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc lại với Ngân hàng Nhà nước là báo cáo sớm với Chính phủ liên quan đến việc huy động nguồn lực tư nhân, trong đó có cả ngoại tệ, vàng… Cần báo cáo cả vấn đề về cơ chế chính sách, tạo ra thể chế để hút các nguồn lực đầu tư của DN trong và ngoài nước, nhất là DN tư nhân, cả vấn đề bán vốn, cổ phần hóa, phá sản các DN không hiệu quả, vấn đề giảm chi thường xuyên…
"Tới đây sẽ báo cáo Hội nghị Trung ương 6 và báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, quyết tâm sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập bởi hiện nay chúng ta có khoảng 2 triệu/2,4 triệu viên chức được hưởng ngân sách Nhà nước, khoảng hơn 500.000 công chức. Ta thấy lượng cán bộ viên chức của các đơn vị sự nghiệp rất lớn. Nói chung muốn tăng trưởng 6,7% là đồng bộ các giải pháp, các yếu tố để tăng trưởng, sẽ có những giải pháp rất cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhất là các bộ, các tỉnh phải thực hiện đồng bộ các việc này trong đó có vấn đề về kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu", ông Dũng nói thêm.
Theo Phương Dung/Dân trí