Trong 2025, nếu hàng Trung Quốc xuất Mỹ bị áp thuế 60% và hàng Việt Nam bị áp thuế 10%, dệt may Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội bứt tốc khi tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng...
Chia sẻ với báo chí ngày 25.12, tại Hà Nội, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết năm 2024, xuất khẩu dệt may dự kiến cán mốc xấp xỉ 44 tỉ USD, tăng gần 11% so với năm 2023.
Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu phát biểu tại buổi gặp mặt
Nửa cuối năm 2024 các doanh nghiệp dệt may đón nhận sự chuyển dịch đơn hàng lớn, đặc biệt là đơn hàng từ Bangladesh sang Việt Nam.
"Các doanh nghiệp may nói chung gần như đầy đơn hàng suốt từ tháng 7 - 12. Nhiều đơn vị đến nay đã có đơn hàng hết quý 1/2025, một số đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 5.2025", ông Hiếu nói.
Dự báo tình hình dệt may 2025 có những hướng tốt đẹp, lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh: "Toàn ngành đang rất nóng lòng xem tân Tổng thống Mỹ Donald Trump những ngày đầu nhậm chức có thực hiện các tuyên bố trước đó hay không.
Nếu Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc với mức thuế dự kiến 60%, một số nước khác có thể chịu mức thuế 10 - 20%, Việt Nam khả năng cao cũng chịu thuế khoảng 10%.
Chúng tôi xác định phải hết sức khéo léo trong ứng xử khi một loạt nhà đầu tư đang đầu tư tại Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường mở rộng nhà máy tại Việt Nam, mục đích chính là né chuyện áp thuế. Nếu không xử lý tốt, Việt Nam dễ thành nơi tẩy xuất xứ cho doanh nghiệp Trung Quốc".
Theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng HĐQT Vinatex, những tháng cuối năm, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất hàng vào Mỹ và châu Âu thông qua chính sách giảm giá rất mạnh. Hiện, hàng may của Trung Quốc xuất Mỹ có giá khoảng 1,8 USD/m2, trong khi hàng Việt Nam là 3,6 USD/m2.
Giả sử khoảng giữa năm sau, hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ bị đánh thuế 60% và mức thuế với hàng Việt là 10%, ông Cầm phân tích, giá hàng dệt may Trung Quốc xuất Mỹ không chỉ đơn thuần tăng thêm 60% mà còn cộng thêm các loại phí khác. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ tăng 10%, đang thấp hơn các nước khác xuất khẩu vào Mỹ.
"Tại Mỹ, hàng dệt may Trung Quốc hiện dẫn đầu với thị phần trên 20%, Việt Nam đứng thứ 2 với thị phần gần 20%. Khi Trung Quốc mất lợi thế, kỳ vọng dệt may Việt Nam có thể giành lại thị phần tốt hơn tại Mỹ", ông Cầm nói.
Về xuất khẩu dệt may nói chung trong năm tới, Phó chánh văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, Vinatex nghiêng về dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỉ USD; xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 - 46 tỉ USD.
Theo Đan Thanh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/det-may-viet-nam-ky-vong-gianh-lai-thi-phan-tai-my-185241225120802242.htm