Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thời gian qua tăng khá nhanh và mức tăng trưởng tín dụng của bất động sản thường cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, số liệu mới nhất từ cơ quan này cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, với giá trị đạt 3,15 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, những bất cập của thị trường bất động sản nói chung cũng như nguồn vốn cho vay lĩnh vực này vẫn luôn là vấn đề được quan tâm trên nghị trường.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã có những thảo luận sôi nổi về vấn đề tín dụng và các chính sách cho vay đối với thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Đa số ý kiến đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở của người dân, cũng như để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.
Hiện nay, một trong những yếu tố then chốt khiến tín dụng bất động sản gặp nhiều khó khăn là tình trạng mất cân đối giữa huy động vốn ngắn hạn và nhu cầu cho vay dài hạn, cùng với ưu tiên các mục tiêu cấp bách khác nhằm bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thông thường yêu cầu giá trị lớn, thời hạn dài, vì vậy cần phải được huy động từ nhiều kênh, trong đó vốn tín dụng ngân hàng chỉ là một kênh. Chính vì các khoản cho vay đối với bất động sản thường dài hạn cho nên lãi suất sẽ cao hơn so với các khoản ngắn hạn. Do hệ thống ngân hàng huy động chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu cho vay dài hạn của thị trường bất động sản, việc cân đối nguồn vốn, kỳ hạn rất quan trọng.
Vì vậy, nhiều dự án khả thi và có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay bởi thời hạn vay dự án đó không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia đề nghị cần xem xét lại cơ cấu nguồn vốn tín dụng và khuyến khích huy động vốn từ các quỹ đầu tư, nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Một số chương trình cho vay nhà ở xã hội đang được triển khai thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại nhà nước như: Cho vay theo Nghị định 100; các chương trình cho vay nhà ở đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách; cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt ở miền trung;…
Trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa bố trí được nhiều, nhằm đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030, hệ thống ngân hàng đã triển khai gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng và hiện đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này được huy động từ các tổ chức tín dụng và áp dụng lãi suất giảm từ 1,5-2%/năm trong thời gian hỗ trợ, với kỳ hạn hỗ trợ là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người vay vốn.
Tuy nhiên, hiện tại mới là giai đoạn đầu của quá trình triển khai cho nên số dư giải ngân đến nay mới đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do khó khăn kinh tế sau đại dịch Covid-19, thu nhập bị ảnh hưởng khiến nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội chững lại.
Trong thời gian tới, khi khó khăn giảm bớt, nhu cầu này kỳ vọng sẽ tăng lên; cùng với đó cần thêm sự hỗ trợ hơn nữa từ ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội trong tương lai, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, đồng thời bảo đảm an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo Hồng Anh/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/dieu-chinh-chinh-sach-tin-dung-cho-thi-truong-bat-dong-san-post844372.html