Sau một thời gian hào hứng ban đầu, nhiều người tiêu dùng Việt bắt đầu bày tỏ thất vọng về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng... sau khi trải nghiệm mua sắm trên sàn Temu của Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp chuyển phát tấp nập đơn hàng - Ảnh: CÔNG TRUNG
Những vấn đề như giá không rẻ như mong đợi, khuyến mãi "ảo", chất lượng sản phẩm không tốt và dịch vụ chăm sóc khách hàng kém... đã khiến niềm tin vào Temu sụt giảm đáng kể.
Giá không như quảng cáo, chất lượng gây thất vọng
Khi biết Temu mở bán và vận chuyển về Việt Nam miễn phí, anh N.C.T. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã vào trang web tìm mua một túi đựng vợt pickleball với hy vọng giá rẻ. Trước mắt anh hiện lên hàng loạt sản phẩm được giảm giá mạnh từ 69 - 90%.
Sau khi cân nhắc, anh T. đã chọn mua một chiếc túi với giá niêm yết là 1,1 triệu đồng, giá sau giảm là 538.000 đồng. Thế nhưng, sau khi thử vào sàn Shopee để tìm hiểu, anh T. bất ngờ phát hiện sản phẩm này chỉ có giá 450.000 đồng.
Chưa hết, dù đơn hàng của anh được cam kết giao trong thời gian 4 - 7 ngày, nhưng đến ngày thứ 8 anh vẫn chưa thấy. "Ban đầu thấy giá tưởng rẻ, nhưng khi so sánh mới biết giá Temu còn đắt hơn ở các sàn khác. Thời gian giao hàng cũng không nhanh như quảng cáo", anh T. bức xúc và cho biết sẽ không mua hàng ở sàn này nữa.
Không chỉ anh T., anh Trần Trung (25 tuổi), một người tiêu dùng thường xuyên mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn, cũng cho biết rất thất vọng khi phát hiện sàn Temu quảng cáo sai sự thật về chất lượng và giá cả hàng hóa.
Bởi theo anh Trung, mức giá sản phẩm sau khi khuyến mãi giảm giá sâu của sàn Temu vẫn cao hơn so với giá bán trên các sàn Shopee, TikTok Shop hay Lazada. Ví dụ, combo 7 đôi tất trên Temu có giá giảm 60% xuống còn 65.000 đồng, nhưng cùng sản phẩm trên Shopee chỉ là 62.000 đồng.
Tương tự, chị Phạm Thị Trang (quận Gò Vấp), một khách hàng mua phụ kiện thời trang, cho biết giá và điều kiện mua sắm trên Temu kém hấp dẫn hơn các sàn khác. "Với một số sàn đang hoạt động, chẳng hạn như Shopee, ngày sale có sản phẩm chỉ 1.000 đồng và miễn phí vận chuyển. Còn trên Temu phải mua từ 50.000 đồng mới được giao hàng", chị chia sẻ.
Khó khăn trong đổi trả, thanh toán thiếu linh hoạt
Không chỉ giá cả và chất lượng sản phẩm, nhiều khách hàng cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn trong đổi trả sản phẩm sau khi mua hàng trên sàn Temu. Do Temu chưa cho phép thanh toán khi nhận hàng (COD), người dùng phải trả tiền qua thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay ngay khi đặt mua.
Cách thanh toán này tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt khi khách hàng nhận được sản phẩm không đạt yêu cầu hoặc không đúng mô tả. Dù có chính sách đổi trả, nhưng với bản chất là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, phần lớn người bán trên Temu là từ Trung Quốc nên việc đổi trả hoặc hoàn tiền thường mất nhiều thời gian.
Chị Quỳnh Vy, một khách hàng tại quận Phú Nhuận, cho biết chị đã phải chờ lâu nhưng vẫn không được liên hệ hỗ trợ từ Temu. Thậm chí khi liên hệ công ty vận chuyển, chị Vy chỉ nhận được câu trả lời rằng ý kiến của chị sẽ được ghi nhận. Nhiều người tiêu dùng cảnh báo rằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ gặp khó khăn vì Temu chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam.
Dữ liệu từ YouNet Media cho thấy có tới 11% bài thảo luận trên mạng xã hội về Temu phàn nàn về giá, nhiều người chỉ ra rằng "giá trên Temu thậm chí cao hơn Shopee". Các thảo luận về chất lượng sản phẩm và quy trình đổi trả cũng chiếm tỉ lệ cao.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia thương mại điện tử cho biết sau thời gian đầu bị hấp dẫn với thông tin sản phẩm giá rẻ và giao hàng nhanh, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã cảm nhận sự bất tiện và rủi ro khi trải nghiệm thực tế.
"Do vậy, khi mua sắm trên Temu, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng về giá cả và chất lượng sản phẩm. Trước khi nhấn nút "đặt hàng", nên so sánh kỹ lưỡng với các sàn khác và cân nhắc xem sự tiết kiệm có thật sự đáng giá với rủi ro gặp phải", vị chuyên gia này cảnh báo.
Phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng Temu Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hàng Temu "oanh tạc" thị trường Việt Nam trong một tháng nay nhờ đã bắt tay với một số doanh nghiệp vận chuyển của Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam như Best Express và Ninja Van. Theo đó, hai doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng chỉ trong 4 - 7 ngày từ Quảng Châu đến Việt Nam, ngang với thời gian giao hàng nội địa từ TP.HCM ra Hà Nội. Hơn nữa, các kho và trung tâm phân phối lớn ngay sát biên giới Việt Nam cho phép hàng hóa từ Trung Quốc xâm nhập dễ dàng. Sự đổ bộ của các nền tảng như Temu đã đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm của sàn này với người tiêu dùng Việt Nam. Việc Temu chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam khiến việc giải quyết khiếu nại gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, đảm bảo rằng các sàn thương mại điện tử quốc tế hoạt động minh bạch và tuân thủ quy định của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp nội địa. Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng không chỉ bao bì nhựa, thời trang giá rẻ cũng là một trong những nguồn thải rác lớn nhất hiện nay bởi những sản phẩm kém chất lượng thường không bền, dễ bị bỏ đi sau thời gian ngắn sử dụng. "Những sản phẩm giá rẻ khiến người tiêu dùng dễ dàng vứt bỏ, trở thành rác thải công nghiệp", một chuyên gia khuyến cáo. |
Theo Công Trung - Nhật Xuân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vo-mong-voi-san-temu-20241030083628735.htm