Trong khi nhiều loại nông sản VN lập đỉnh cao kỷ lục về giá thì vẫn có nhiều mặt hàng khác trồi sụt thất thường, thậm chí có loại như cam sành đang được kêu gọi "giải cứu".
Vì sao cam sành rớt giá mạnh?
Chiều 26.10, trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP.HCM) đông đúc xe cộ, nhiều vựa trái cây đổ đầy cam sành ra đường, phát loa kêu gọi giải cứu. "Chỉ có 5.000 đồng/kg, 10 ký là 50.000 đồng, mấy anh chị mua đi, giá rẻ lắm", cậu thanh niên tên Quốc, nhân viên bán hàng tại vựa trái cây Điền ở khu vực này, nỗ lực chào mời.
Ghé lại vựa trái cây tham khảo, chị Đinh Tú Uyên, ngụ tại H.Nhà Bè (TP.HCM), nhanh chóng rời đi khi chưa mua gì vì trời đổ mưa bất chợt. Chị Uyên cho biết đã thấy các vựa kêu gọi "giải cứu" khoảng hơn 1 tháng nay, nhưng do chưa có nhu cầu tiêu dùng nên ít quan tâm.
Trái ngược với giá cam giải cứu "sập sàn" ở các điểm bán vỉa hè, một số chợ truyền thống và siêu thị lại có giá cao hơn khá nhiều. Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết lượng cam sành Vĩnh Long về chợ đêm 26.10 là 77.000 tấn, giảm dần so với nửa tháng trước. Trong đó, giá cam sành loại 1 đang ở mức 13.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg. Giải thích vì sao có sự chênh lệch giá bán này, một cán bộ thuộc Ban Quản lý chợ Bình Điền ngành hàng trái cây cho biết: "Hàng về chợ đầu mối được chọn lựa kỹ càng hơn, đảm bảo chất lượng, bên cạnh đó còn có chi phí vận chuyển, thuế, phí nên giá cao hơn các điểm bán dạo, bán trên lề đường".
Cam sành kêu gọi “giải cứu” giá chỉ 5.000 đồng/kg trên vỉa hè. ẢNH: Q.T
Tại một vựa cam sành Vĩnh Long giá rơi đến tận đáy, thương lái đang chào giá 4.000 đồng/kg cam nhỏ, 6.000 đồng/kg cam lớn. Ông Dương Văn Hạnh, chủ vườn cam tại H.Trà Ôn (Vĩnh Long), chia sẻ: "Cách đây 2 năm, khi vừa hết dịch Covid-19, cam sành là một trong những mặt hàng có giá bán cao ngất ngưởng vì thời điểm đó trời nắng nóng kéo dài và nước cam có thể hỗ trợ tăng sức đề kháng để chống dịch, nên tiêu thụ nhiều. Trong khi đó các loại cây ăn quả khác như mít, xoài lại rớt giá vì không xuất khẩu được. Thời điểm đó nhiều người đã ồ ạt chuyển sang trồng cam vì nhanh thu hoạch, lợi nhuận cao. Chi phí đầu tư cho 1 ha cam năm đầu lên tới 600 triệu đồng. Để hòa vốn, giá cam cần phải trên 10.000 đồng/kg. Thế nhưng giá hiện tại giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, thương lái lại ra sức ép giá khiến người trồng cam lỗ nặng".
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT H.Trà Ôn (Vĩnh Long) nhìn nhận: "Giá cam hiện tại dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg cho các hộ dân trồng dưới 10 công đất. Một số diện tích cam của nhà vườn không được chăm sóc đúng cách, dẫn đến quả xấu và giá chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân có thể do diện tích trồng cam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, dẫn đến cung vượt cầu. Riêng sản lượng cam ở Trà Ôn hiện đã tăng gấp đôi, từ 200.000 tấn/năm lên đến 500.000 tấn/năm".
Lý giải việc giá cam sành xuống tận đáy trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, phân tích: "Cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa nên phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố thời tiết, mùa vụ. Năm nay các tỉnh phía bắc chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, đang thu hoạch nên cạnh tranh về sản lượng, thị phần. Thêm vào đó, vùng trồng cam sành ở ĐBSCL có đặc điểm giao thông vận chuyển rất khó khăn, nhiều nơi thu gom bằng ghe, xuồng nên phụ thuộc vào hệ thống thương lái, họ không mua thì đành để chín rụng. Chủ vườn có kinh nghiệm thì sẽ đầu tư chăm sóc khi giá cao, thời điểm nào giá bán thấp thì để ra trái tự nhiên để giảm chi phí. Tuy nhiên, cũng đáng lo lắng vì thực tế khoảng 2 năm gần đây, cứ đến mùa mưa là cam sành lại kêu gọi giải cứu. Sự phát triển ồ ạt của diện tích trồng cam trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hạn chế cho thấy cần có sự quy hoạch và định hướng cụ thể cho ngành trồng cam trong thời gian tới".
Giá cau lên xuống chớp nhoáng
Cũng cảnh giá lên cao vút rồi xuống mất hút thời điểm này là cau. Những ngày đầu tháng 10, cau tươi ở Quảng Ngãi còn được thương lái ồ ạt thu mua với giá rất cao, có thời điểm được đẩy lên trên 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, một tuần qua giá cau giảm mạnh xuống 40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi ngừng mua.
Tương tự, tại Đắk Lắk, sau một thời gian liên tục tăng cao lên gần 100.000 đồng/kg, giá cau bất ngờ quay đầu lao dốc, hiện chỉ còn 40.000 - 60.000 đồng/kg. Ông Trương Ngọc Lợi, chủ vườn cau tại H.Cư Kuin (Đắk Lắk), cho biết: "Khi giá cau liên tục tăng, mỗi ngày có rất nhiều người đến hỏi mua; nhưng hiện nay giá rớt nhanh chóng chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg, tôi chờ hoài cũng không có thương lái nào đến hỏi".
Giá cau rớt mạnh, từ 100.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng/kg. ẢNH: H.P
Ông Nguyễn Văn Mười cho biết Hiệp hội đã cảnh báo nhiều lần về hiện tượng lên xuống thất thường của giá cau. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ cau tươi, cau sấy khô xuất phát từ thị trường Trung Quốc do có công nghệ làm kẹo từ trái cau. Thời gian vừa qua vùng chuyên canh cau của Trung Quốc ở đảo Hải Nam bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi), các nguồn cung cấp cau khác như Philippines, Malaysia cũng bị ảnh hưởng, do đó thương lái và các lò sấy ở VN mới đẩy mạnh thu mua, nâng giá cau lên cao. Khi họ mua đủ rồi thì giá lại rớt về như cũ.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, trong thời gian tới người dân chỉ nên trồng cây cau để lấy bóng mát, làm hàng rào hoặc xen canh với những cây trồng khác, không nên ồ ạt chuyển đổi chuyên canh vì nhu cầu tiêu thụ không ổn định, có thể sẽ khiến người nông dân thua lỗ.
Tuy nhiên dừa đã có một vị thế rất khác. "Hiện nay trái dừa tươi đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dừa khô cũng tăng rất nhiều do có hàng chục nhà máy chế biến dừa được triển khai trong năm qua. Thời gian gần đây Hiệp hội Dừa VN đã giới thiệu rất nhiều vùng trồng dừa cho các nhà máy để kết nối cung - cầu, thu hẹp khoảng cách khi mua bán qua thương lái. Dừa là mặt hàng chủ lực có các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Trung Quốc, do đó tiềm năng phát triển rất lớn, nhu cầu tiêu thụ ổn định chứ không như mặt hàng phụ là trái cau", ông Cao Bá Đăng Khoa khẳng định.
Thế nhưng chẳng có gì là chắc chắn nếu chúng ta cứ lao theo thị trường một cách bất chấp nhu cầu, và đặc biệt là không kiểm soát được chất lượng, vùng trồng.
Hiện nay giá cả các loại nông sản lên xuống thất thường là do phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Đặc biệt ở vùng ĐBSCL, do hạ tầng giao thông chưa phát triển, nhiều vùng nguyên liệu ở xa đều do thương lái đến tận nơi thu mua, giá cả cũng do họ quyết định. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội trong thời gian tới là kết nối các nhà máy với vùng nguyên liệu để họ có thể mua bán, ký kết trực tiếp với hợp tác xã, cắt giảm khâu trung gian. Có như vậy người nông dân mới được hưởng lợi chứ không phải thương lái chiếm hết lợi nhuận như hiện nay.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN
Theo Quang Thuần/Thanh niên
https://thanhnien.vn/phap-phong-gia-nong-san-185241028202713281.htm