Gần 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, trong đó có khoảng 14 tỷ USD được giải ngân, cho thấy những tín hiệu lạc quan về triển vọng phục hồi của dòng vốn ngoại, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Sản xuất bảng mạch điện tử ở Nhà máy Nippon Mektion của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên)
Cấu trúc vốn FDI đầu tư vào sản xuất có sự chuyển dịch tích cực với xu hướng gia tăng của các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao với sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.
Môi trường đầu tư đáng tin cậy
Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư thêm bốn tỷ USD, tăng gấp đôi tổng số vốn của doanh nghiệp này đang đầu tư ở Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Cho Hyun-joon nhận định, môi trường đầu tư của Việt Nam đáng tin cậy, tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của châu Á. Việc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư cho thấy Hyosung đang thực hiện cam kết đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam như lời hứa trước đây. Hiện nay, Hyosung là đối tác FDI lớn thứ ba của Hàn Quốc tại Việt Nam, sau Samsung và LG. Dự kiến thời gian tới, tập đoàn này sẽ mở rộng đầu tư các dự án trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghiệp cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học bền vững, sợi carbon.
Đáng lưu ý, Hyosung còn có kế hoạch mời Tập đoàn Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) làm đối tác đồng hành đầu tư tại Việt Nam và kỳ vọng, đây sẽ là mô hình hợp tác kinh doanh mới giữa Việt Nam, Hàn Quốc, UAE. Trong đó, Hyosung sẽ giữ vai trò kết nối trong thu hút đầu tư từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam.
Chín tháng năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 24,7 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 9, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 4,26 tỷ USD, tăng 8,9% và chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư trong chín tháng, là mức cao nhất kể từ đầu năm. Vốn đầu tư tăng thêm cũng đạt mức cao nhất với các dự án được mở rộng vốn ở quy mô lớn. Theo đánh giá của Savills Việt Nam, cấu trúc vốn FDI đầu tư vào sản xuất đã có sự chuyển dịch tích cực với xu hướng gia tăng của các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sản xuất linh kiện thay vì tập trung vào các ngành truyền thống như dệt may, gỗ…
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Google, Meta, Qualcomm, Intel, Nvidia, AMD… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
Việt Nam đang hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn và công nghiệp AI. Chúng ta có hệ thống chính trị ổn định, quyết tâm chính trị cao, nhất là lực lượng lao động trẻ đông đúc, nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận về khoa học-công nghệ, nhất là các lĩnh vực STEM. Nguồn nhân lực là lợi thế lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Chọn lọc lĩnh vực ưu tiên
Cho rằng Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP nhanh nhất ASEAN nhờ cởi mở với FDI, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của HSBC, ông Frederic Neumann khuyến nghị Việt Nam nên giữ vững sự cởi mở với đầu tư nước ngoài để tiếp tục nổi bật hơn so với các nước. Việc Việt Nam tham gia tích cực vào các thỏa thuận thương mại tự do, giúp mang lại nhiều lợi ích về thương mại, tạo lợi thế trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực, và có thể tăng thêm tính hấp dẫn nếu vấn đề lao động, kết nối điện và hạ tầng logistics tốt hơn.
Thời gian gần đây, Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư FDI trong nhiều ngành công nghệ mới, công nghệ cao. Đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 39-40 tỷ USD, trong đó tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen… Xu hướng này phù hợp với định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trong báo cáo cập nhật quý III/2024, Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam tiếp tục thu hút các dòng vốn ngoại khi các khía cạnh nền tảng duy trì tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI đăng ký mới giảm trong quý III/2024 nhưng các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng đều chứng kiến đầu tư gia tăng. Trong tương lai, các dòng vốn đổ vào sản xuất có khả năng cũng duy trì ổn định khi Việt Nam ngày càng nỗ lực thắt chặt quan hệ với các đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút thêm đầu tư.
Theo GS, TS khoa học Nguyễn Mại, Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng, cùng với những diễn biến như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, việc thích nghi với môi trường đầu tư toàn cầu trở nên phức tạp hơn. Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội thu hút ngày càng nhiều dự án FDI chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn, việc đổi mới nhanh hơn tư duy và hành động rất quan trọng, trong đó cần chú trọng ba yếu tố là hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa cơ sởhạ tầng và đổi mới quản lý nhà nước.
Các đối tác đầu tư lớn nhất trong chín tháng năm 2024 đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Trong đó, 5 quốc gia/vùng lãnh thổ dẫn đầu, gồm: Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, đã chiếm 73,2% số dự án đầu tư mới và 75,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Về cơ cấu vốn FDI, 63,1% vốn đầu tư được rót vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 17,7% đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản; 4,5% vào sản xuất, phân phối điện, nước; 3,4% vào hoạt động chuyên môn, khoa học-công nghệ… Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Theo Phương Anh/NDO
https://nhandan.vn/muc-tieu-thu-hut-39-40-ty-usd-von-fdi-post837756.html