Sự đảo chiều đầy kịch tính của giá USD trong năm 2024 khiến doanh nghiệp, cá nhân rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Nếu đầu năm USD tăng mạnh, tiền đồng mất giá, hàng loạt doanh nghiệp lỗ tiền nặng thì đến thời điểm hiện tại tiền đồng đã lấy lại phong độ. Cú lội ngược dòng của tỷ giá khiến cho những người sành sỏi nhất trên thị trường cũng phải bất ngờ.
Từ nóng sốt chuyển qua trượt giảm sâu
Ngay trong những tháng đầu năm, thị trường ngoại tệ đã bắt đầu bị hun nóng. Chỉ tính riêng trong tháng 4, tỷ giá đã tăng 2,19% so với cuối tháng 3 trong bối cảnh USD trên thị trường quốc tế tăng 1,66%. Các ngân hàng thương mại tăng giá USD hơn 1.000 đồng so với đầu năm, giá bán USD lên sát mức 25.500 đồng, chiều mua vào lên 25.140 - 25.170 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm tăng 400 đồng, lên 24.260 đồng/USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,4%, tỷ giá trung tâm tăng 1,7%. Nguyên nhân sự "bốc đầu" của tỷ giá đến từ sự tăng giá của USD; chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD vẫn duy trì ở mức âm; nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng trưởng nhập khẩu và chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn.
Thị trường rơi vào trạng thái căng thẳng chưa từng thấy. Nỗi lo về việc phá giá đồng tiền trong nước khiến người dân, doanh nghiệp cùng thấp thỏm. Để giảm sức nóng trên thị trường ngoại tệ, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, đã phải lên tiếng trấn an: "Mức giảm giá của tiền đồng khoảng 5% so với USD là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới". Dẫn mức giảm của các đồng tiền trong khu vực như đô la Đài Loan (giảm 5,06%); baht Thái (giảm 6,31%); won Hàn Quốc (giảm 5,66%); yen Nhật (giảm 10,87%); rupiah Indonesia (giảm 3,87%); peso Philippines (giảm 4,82%); nhân dân tệ (giảm 2,04%), ông Phạm Chí Quang khẳng định cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Bên cạnh đó, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ can thiệp.
Giá USD tăng nóng vào những tháng đầu năm 2024, nhưng qua quý 3 đã giảm mạnh. ẢNH: NGỌC THẮNG
Dù nhà điều hành không công bố số lượng ngoại tệ bán ra can thiệp thị trường là bao nhiêu, nhưng các tổ chức kinh tế trong nước dự ước con số lên khoảng 6,4 tỉ USD. Bất chấp các động thái này, giá USD được duy trì ở mức cao trong tháng 6, có thời điểm USD trên thị trường tự do đạt mức kỷ lục khi lên 26.080 đồng/USD.
Cứ tưởng "vô phương cứu chữa" thì đến cuối tháng 7 các nhà băng hạ giá đồng bạc xanh. Đà trượt dốc kéo dài và đến tháng 9 tỷ giá chỉ còn tăng 1,2% thay vì mức tăng gần 5% đạt được từ hồi tháng 4. Trên thị trường tự do, giá USD cũng giảm mạnh, hơn 1.000 đồng so với mức kỷ lục, xuống còn quanh mức 25.000 đồng/USD, mất giá gần 4%.
Cú đảo chiều không tưởng của tỷ giá khiến thị trường bất ngờ. Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, giá USD trên thị trường quốc tế liên tục suy yếu trước bối cảnh Mỹ giảm lãi suất USD. Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong năm nay. Về chủ quan, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước cho thấy đà phục hồi tích cực và đồng đều hơn giữa các nhóm ngành đã tạo ra nguồn ngoại tệ dồi dào trên thị trường. Cụ thể, xuất siêu 8 tháng đạt 19,07 tỉ USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và thực hiện tại Việt Nam đều đạt mức tăng ấn tượng lần lượt 20,52 tỉ USD và 14,15 tỉ USD, tương ứng mức tăng lần lượt 7% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là những yếu tố giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ trong nước.
ẢNH: NGỌC THẮNG
Thêm vào đó, nguồn ngoại tệ từ khách du lịch, kiều hối về khá dồi dào; trong khi nhu cầu ngoại tệ trên thị trường, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ đến từ thị trường vàng sụt giảm, khi từ tháng 6 trở đi các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp quản lý thị trường này.
Tại thời điểm này, tỉ giá lại đang nóng trở lại. Diễn biến tỉ giá vẫn gây bất ngờ cho thị trường bất chấp các phân tích kĩ thuật cũng như các dự báo từ cá nhân và tổ chức uy tín. Quý cuối cùng của năm vẫn phải chờ đợi trên thực tế.
Dở khóc, dở cười với ngoại tệ
Tỷ giá vẫn luôn ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế cũng như đời sống người dân. Với các bậc phụ huynh có con du học thì tâm trạng cũng trồi sụt theo biến động tăng, giảm của đồng tiền các nước. Chị Nguyễn Cúc (Q.1, TP.HCM) vừa đưa đứa con thứ 2 du học ở Mỹ cấp trung học cho biết, ngoài tiền học phí mỗi năm lên vài chục ngàn USD thì mỗi tháng vợ chồng chị phải chuyển sinh hoạt phí cho 2 con ở Mỹ là 6.000 USD. Giá USD tăng hay giảm 1.000 đồng thì số tiền bỏ ra thêm hay bớt đi khoảng 6 triệu đồng. "Tháng nào ngoại tệ giảm thì mừng, còn không thì lo. Nặng nhất là thời điểm chuyển học phí cho đứa con gái học đại học khoảng 40.000 USD. Lúc đó giá USD giảm thì cũng đỡ một khoản không nhỏ", chị nói. Tuần đầu tháng 9, khi tỷ giá lao dốc, chị Cúc dồn hết tiền mua USD để dành đóng học phí cho con. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình có con du học ở Mỹ trong năm 2024.
Nhưng hứng bão tỷ giá mạnh nhất là các doanh nghiệp vay nợ bằng USD. Chẳng hạn như Novaland với khoản vay USD tương đương 17.927 tỉ đồng, lỗ tỷ giá trong nửa đầu năm lên tới 834 tỉ đồng; HVN vay USD quy đổi ra 6.117 tỉ đồng, lỗ tỷ giá lên tới 1.224 tỉ đồng; POW vay 8.002 tỉ đồng, lỗ 178 tỉ đồng; MWG vay 6.132 tỉ đồng, lỗ 146 tỉ đồng; PC1 vay 3.862 tỉ đồng, lỗ 112 tỉ đồng; HPG vay 747 tỉ đồng, lỗ 229 tỉ đồng…
Ngược lại, những DN xuất khẩu có doanh thu bằng USD hưởng lợi lớn. Chẳng hạn FPT ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá 141 tỉ đồng; PVS lãi 136 tỉ đồng; DCM lãi 49 tỉ đồng; HSG lãi 231 tỉ đồng; NKG lãi 73 tỉ đồng; VCS lãi 43 tỉ đồng... Tỷ giá tăng sẽ có mức tác động rất khác nhau giữa các nhóm ngành và theo từng doanh nghiệp. Nhóm hưởng lợi xu hướng này gồm các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước như cá tra,
phốt pho, cao su và một số doanh nghiệp xuất khẩu khác. Ngay tại nội địa, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ giá cho thuê thường tính theo USD. Chiều ngược lại, các nhóm có nợ vay bằng USD chiếm tỷ trọng cao, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần thận trọng với “cơn sóng” USD. ẢNH: NGỌC THẮNG
Ẩn số tỷ giá
Ông Ngô Đăng Khoa cho rằng: Xu hướng của USD vẫn còn nhiều kịch bản khó lường khi phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách sắp tới của Fed, tiến trình bầu cử Mỹ… Vì vậy, đối với các doanh nghiệp, cần chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các sản phẩm ngân hàng hỗ trợ cung ứng.
Chẳng riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước đều phụ thuộc rất lớn vào động thái của Fed. Vào giữa tháng 9, Fed đã chính thức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống còn 4,75 - 5%/năm. Mức giảm này mạnh hơn những gì thị trường kỳ vọng. Trước đó, lần giảm 0,5 điểm phần trăm là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020 đến nay Fed giảm lãi suất. Đáng chú ý, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mỗi lần có thể là 0,25 điểm phần trăm; sau đó sẽ là 4 lần cắt giảm nữa vào năm tới và 2 lần cắt giảm vào năm 2026. Điều này kỳ vọng đưa Fed vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới sau hơn 4 năm thắt chặt để chống lại lạm phát.
Việc điều chỉnh lãi suất USD trên thị trường quốc tế sẽ tác động đến tỷ giá USD trong nước cũng như các ngoại tệ khác. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, giá USD tăng hay giảm đều có tác động đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đang có nợ vay ngoại tệ. Tiền đồng mất giá có lợi cho xuất khẩu nhưng lại dẫn đến nhập khẩu lạm phát.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu nguyên liệu lớn. Nhiều mặt hàng sản xuất tiêu thụ trong nước cũng có nguyên liệu nhập khẩu cao. Để ứng phó với tỷ giá trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái và có biện pháp phòng ngừa rủi ro, tránh chuyện giá USD tăng hay giảm thì dẫn đến lỗ.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng
"Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu nguyên liệu lớn. Nhiều mặt hàng sản xuất tiêu thụ trong nước cũng có nguyên liệu nhập khẩu cao. Để ứng phó với tỷ giá trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái và có biện pháp phòng ngừa rủi ro, tránh chuyện giá USD tăng hay giảm thì dẫn đến lỗ", ông Hiếu khuyến cáo và lưu ý lựa chọn ngân hàng phục vụ có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP). Đối với thị trường xuất hay nhập khẩu, cần lựa chọn ngoại tệ thanh toán sao cho có lợi cho doanh nghiệp, giảm dần phụ thuộc USD trong thanh toán.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) lo ngại đà giảm giá của USD sẽ không kéo dài, khả năng sẽ quay đầu tăng trở lại vào những tháng cuối năm. "Fed giảm lãi suất USD vào giữa tháng 9 làm giá USD quốc tế đi xuống, nhưng thị trường ngoại tệ trong nước đã giảm trước thời điểm Mỹ giảm lãi suất nên dư địa đi xuống không còn nhiều. Hơn nữa, khi mức giá USD giảm sâu, những "tay chơi" lớn trên thị trường xuất hiện sẽ khiến đà đi xuống bị chặn lại. Đó là chưa kể yếu tố mùa vụ, nhu cầu ngoại tệ cuối năm sẽ tăng lên do nhu cầu nhập khẩu tăng. Do đó giá USD khó có thể ở mức thấp", ông Huân nhận định.
Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo áp lực về nhu cầu USD tăng trở lại trong cuối quý 3 và đầu quý 4 nhưng cũng sẽ không gây triển vọng tăng tỷ giá. Cuối năm 2024, giá USD có thể dao động quanh mức 25.000 đồng/USD, tăng 3% so với cuối năm ngoái. Còn UOB Việt Nam dự báo giá USD có thể quay lại mức 24.000 đồng vào cuối năm 2024 và quý 1/2025 trên cơ sở dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được đảm bảo và thặng dư.
Nợ công hưởng lợi từ giá đồng tiền nhiều nước giảm Trong những năm qua, Việt Nam giảm dần nợ nước ngoài trong cơ cấu vay của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn so với trần 50%. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu. Dù không công bố cơ cấu nợ nước ngoài, nhưng con số năm 2022 được Bộ Tài chính công bố cho thấy mức ảnh hưởng của tỷ giá lên nợ công. 7 tháng đầu năm 2022, giá USD tăng 1,1% đã tác động đến dư nợ Chính phủ bằng USD quy tiền đồng tăng khoảng 5.000 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Ngược lại, EUR giảm 9,5% đã làm dư nợ Chính phủ bằng EUR quy tiền đồng giảm khoảng 17.000 tỉ đồng; yen Nhật giảm 13% làm dư nợ Chính phủ bằng yen giảm 45.000 tỉ đồng. Chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, yen và EUR), dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỉ đồng, giảm 2% so với dư nợ cuối 2021. |
Tỷ giá giảm áp lực Lạm phát tại VN dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 4% cho đến cuối năm do các tác động cơ sở, điều này có thể hạn chế khả năng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất. Trọng tâm sẽ thiên về quản lý lạm phát và hỗ trợ tiền đồng. Do tỷ giá hiện đã giảm nên Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát. Tiền đồng (VND) được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Đồng tiền này đã bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn là 25.000 đồng so với 1 USD. Trong tương lai, VND dự kiến sẽ tăng giá dần dần lên mức 24.100 đồng so với 1 USD vào quý 2/2025. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB Việt Nam |
Theo Thanh Xuân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/cu-loi-nguoc-dong-bat-ngo-cua-ty-gia-185241009203829914.htm