240
/
172589
Thuế thu cao, người làm công ăn lương buồn
thue-thu-cao-nguoi-lam-cong-an-luong-buon
news

Thuế thu cao, người làm công ăn lương buồn

Thứ 4, 20/11/2024 | 08:29:40
65 lượt xem

Chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm 2024, những người làm công ăn lương mong chờ các khoản thưởng cuối năm để có một cái tết vui vẻ, nhưng đi cùng theo đó cũng là nghĩa vụ thuế phải thực hiện, thu nhập tăng đồng nghĩa thuế tăng.

Người làm công ăn lương đóng thuế trên 70%

Vợ chồng chị Phương Nguyên từ miền Tây lên TP.HCM lập nghiệp nhiều năm nhưng vẫn chưa có nhà ở. Hiện gia đình chị gồm 4 người đang thuê nhà ở Q.Bình Thạnh với mức 10 triệu đồng/tháng. Hai con học trường công, mỗi tháng chi phí cho mỗi bé gồm: tiền học phí 1,7 triệu đồng, học tiếng Anh hơn 2 triệu đồng, tiền sữa 600.000 đồng, trong đó một bé tiền thuốc cố định mỗi tháng 600.000 đồng. Đó chỉ là các chi phí căn bản, chưa tính tiền ăn mặc, học kỹ năng và giải trí cho các con.

Thuế thu cao, người làm công ăn lương buồn- Ảnh 1.Việc sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân đã đến lúc cấp bách, cần cải cách toàn diện, tạo sự công bằng cho người nộp thuế. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

"Hai con thì tính người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh vào cho chồng, còn ba mẹ già thì tính cho em mà thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mỗi người phải đóng là 5 triệu đồng/tháng. Tiền thuế này còn nhiều hơn cả tính 1 người phụ thuộc", chị Phương Nguyên than thở và bức xúc: Mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế không tăng lên với lý do chỉ số CPI chưa tăng 20% là vô lý. Trước đây, một món nước ăn sáng như bún, hủ tiếu, bánh canh, phở… tầm 20.000 - 30.000 đồng/tô, nay tìm "đỏ mắt" mới có quán bán 30.000 đồng/tô. Một thùng sữa tươi cho con cũng đã tăng từ 30.000 - 50.000 đồng, ổ bánh mì trước đây 15.000 thì nay 20.000 đồng, ly cà phê 20.000 thì nay lên 25.000 đồng… Đây là mức thấp nhất, còn đa số lên 50.000 - 60.000 đồng, thậm chí hơn.

"Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, giá cả những mặt hàng thiết yếu tăng không dưới 20%. Đó là chưa kể tiền điện, nước cũng tăng. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh lại đứng yên một chỗ nên người làm công ăn lương thật sự khổ", chị Phương Nguyên nói.

Anh Trần Thanh (ở Q.3, TP.HCM) cũng tâm trạng khi phòng nhân sự công ty vừa hỏi thông tin về người phụ thuộc gia đình để bổ sung vào hồ sơ tính thuế TNCN. Mỗi tháng, anh Thanh nhận thu nhập 34,5 triệu đồng, công ty trừ thuế hằng tháng cố định 4 triệu đồng. Cuối tháng 11, anh Thanh kết thúc hợp đồng làm việc tại công ty, số thuế tạm đóng vào khoảng 44 triệu đồng. Do chưa quyết toán thuế năm nên anh Thanh cũng không biết thừa thiếu thế nào, chỉ thấy rằng số thuế đóng đã vượt thu nhập mà công ty trả 1 tháng trong khi trăm thứ tiền phải lo nên "rầu quá".

Anh Thanh kể do chưa lập gia đình nên cũng không có người phụ thuộc để đưa vào. "Mấy năm trước, mẹ tôi ở quê không có nguồn thu nhập nào nhưng chưa đến ngoài tuổi lao động nên chưa được tính. Nay đến tuổi thì tôi lại nghỉ việc. Thực sự với người lao động từ tỉnh khác đến TP.HCM làm việc mà thu nhập 30,5 triệu đồng/tháng cũng đủ sống thôi vì còn phải gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ. Chi phí thì ngày càng cao từ tiền thuê nhà, quần áo, đi lại, ăn uống, đầu tư cho công việc cũng như chi phí hiếu hỉ…", anh chia sẻ và nói thêm: "Muốn mua nhà, phải nhận làm thêm công việc bên ngoài, đầu tư chứng khoán… Khi tích cóp ít nhất 30% tổng giá trị thì mới dám nghĩ đến. Tôi tính toán nếu thu nhập chỉ 30 triệu đồng mà trả gốc và lãi ngân hàng mỗi tháng thì cũng áp lực quá. Thế nên tôi thuê nhà từ nhiều năm nay. Nếu tiền thuế không đóng sẽ đỡ phần lãi trả góp tiền nhà nếu có".

Trong 10 khoản thu nhập tính thuế TNCN hiện nay thì tiền công, tiền lương chiếm hơn 70% tổng số thu thuế TNCN. Chẳng hạn năm 2023, số thu từ thuế TNCN trên cả nước khoảng trên 155.421 tỉ đồng, chiếm 10,6% so với tổng số thu nội địa.

Trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là 108.228 tỉ đồng, đạt 108,7% so với năm 2022; chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN. Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế TNCN trong 10 tháng năm 2024 đạt 98,7% dự toán năm 2024, đây cũng là một trong những sắc thuế có số thu đạt khá.

Như vậy, số thu thuế TNCN năm 2024 dự kiến là 169.506 tỉ đồng thì với mức đạt 98,7% dự toán, số thu từ sắc thuế này đã đóng góp cho thu nội địa 167.302 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng thu nội địa. Với tỷ lệ chiếm trên 70%, người làm công ăn lương đã đóng góp vào ngân sách nhà nước số thuế hơn 117.111 tỉ đồng.

Đề nghị sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét nguồn thu từ người làm công ăn lương vào ngân sách vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, nghịch lý là số thu tăng lên nhưng nhiều người nộp thuế vẫn đang khó khăn. Điều đó cho thấy luật thuế TNCN đã xuất hiện nhiều bất cập và được phân tích nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có sự thay đổi.

Theo ông Thịnh, quy định khi nào CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là vô lý. Quy định này không đúng thì phải sửa chứ không thể dẫn ra để làm căn cứ cho việc không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Mỗi năm chỉ số CPI tăng 4%, thì mức tăng 4% của năm trước khác mức tăng 4% của năm sau, không vì thế mà cộng các năm lại và cho rằng nó chưa đến 20% để điều chỉnh. Còn lập luận cho rằng mức giảm trừ gia cảnh gấp 2,2 lần thu nhập bình quân cũng không ổn vì thu nhập bình quân của người Việt thấp, chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, trong khi ở nước ngoài là 10.000 - 30.000 USD.

"Kinh tế phát triển, GDP tăng trưởng, đời sống của người dân cũng ngày một sung túc, mức sống trung bình của người dân cũng nâng lên, chúng ta phải dựa theo mức sống trung bình tiên tiến của họ để đánh thuế thu nhập. Thực tế với một người làm công ăn lương 11 triệu đồng mỗi tháng có thể sống ở Hà Nội, TP.HCM hay không? Chúng ta phải thẳng thắn với nhau điều đó. Thế nên việc sửa đổi luật thuế TNCN đã đến lúc cấp bách, cần cải cách toàn diện, đảm bảo phù hợp, tạo sự công bằng cho người nộp thuế", ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.


Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú (Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) cho rằng xét về tỷ trọng đóng góp thì người làm công ăn lương đóng thuế nhiều nhất trong thuế TNCN. Tuy nhiên, chính vì những quy định chưa phù hợp với tình hình hiện nay đã làm cho sắc thuế này trở nên lạc hậu. Khi còn là pháp lệnh Thuế đối với người có thu nhập cao, sắc thuế này chỉ có tính động viên. Đến khi lên luật, mức giảm trừ gia cảnh cũng chỉ mang tính chất tượng trưng. Vừa rồi, lương của người lao động tăng lên, dù cơ quan chức năng kiểm soát nhưng giá cả hàng hóa cũng tăng theo ít hay nhiều.

"Cứ thử ra ngoài ăn sáng sẽ thấy mức giá tăng như thế nào, mỗi ly cà phê hay tô phở đều đã thay đổi giá. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên nên người đóng thuế cảm thấy "nghẹt thở". Cuộc sống con người có những chi phí cơ bản như ăn uống, nhà ở, học hành và chi phí sức khỏe. Luật Thuế TNCN hiện nay chưa cho trừ các chi phí thực tế này trước khi xác định thu nhập chịu thuế, trong khi mức giảm trừ gia cảnh lại thấp. Chính vì luật Thuế TNCN có những quy định lạc hậu chưa được sửa đổi nên tạo cho người đóng thuế cảm giác bị lạm thu", ông Nguyễn Ngọc Tú nói thẳng.

Thuế TNCN lạc hậu, nhưng chưa điều chỉnh là vấn đề gây bức xúc nhiều năm nay và vẫn đang tiếp diễn, khi Bộ Tài chính vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm "chờ" CPI tăng 20% thì mới thực hiện.

Dự kiến thuế thu nhập cá nhân các năm sau sẽ tiếp tục tăng

Theo báo cáo Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 trình Quốc hội mới đây, dự kiến thu ngân sách nhà nước giai đoạn 3 năm 2025 - 2027, thuế thu nhập cá nhân năm 2025 là 180.397 tỉ đồng, cao hơn năm 2024 là 10.891 tỉ đồng, tăng gần 6,5%. Năm 2026 tăng lên 195.019 tỉ đồng và năm 2027 lên 210.591 tỉ đồng.

Theo Thanh Xuân/Thanh niên

https://thanhnien.vn/thue-thu-cao-nguoi-lam-cong-an-luong-buon-185241119225848096.htm

  • Từ khóa

Phần mềm ứng dụng Mobile Banking không được ghi nhớ mã khóa bí mật

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 50/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà...
08:19 - 20/11/2024
98 lượt xem

Lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường

Kênh thương mại điện tử bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt...
08:09 - 20/11/2024
64 lượt xem

Hà Nội chi 460 tỉ cải tạo đê, chống ngập cho hàng nghìn hộ dân vùng rốn lũ

Đê tả Bùi, hữu Đáy đoạn qua H.Chương Mỹ (Hà Nội) sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư khoảng 460 tỉ đồng, nhằm giúp người dân vùng rốn lũ...
16:27 - 19/11/2024
446 lượt xem

Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là những vấn đề liên...
16:59 - 19/11/2024
436 lượt xem